Thanh Trì là huyện ngoại thành của Hà Nội, trong 20 năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, sử dụng kênh vay vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Đây là một trong những giải pháp giúp các đối tượng yếu thế vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, giúp các hộ thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Trong 20 năm qua, các chương trình tín dụng CSXH của Trung ương đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện.

Qua đó, từng bước khẳng định vai trò của tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn phát triển của huyện trong giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.

Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt 1.522,6 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ 20 năm đạt 1.084,9 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 15/6/2022 đạt 444,6 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch năm 2022, tăng 434,7 đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm 21%.

Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách được ban hành, từ năm 2015, hàng năm HĐND, UBND huyện đều đưa vào Nghị quyết về việc bố trí bổ sung nguồn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đến 15/6/2022, tổng nguồn vốn ngân sách huyện bổ sung quỹ cho vay của NHCSXH huyện là 10,4 tỷ đồng, trung bình mỗi năm huyện bổ sung vốn cho NHCSXH là 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh các nguồn vốn từ Trung ương, Thành phố và huyện Thanh Trì, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cũng nỗ lực huy động nhận tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân và tiền gửi tiết kiệm từ các tổ viên vay vốn để bổ sung nguồn vốn vay, giảm nguồn vốn trung ương chuyển về. Đến ngày 15/6/2022, nguồn huy động đạt 76,7 tỷ đồng, tăng 74,9 tỷ đồng so với ngày thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.

20 năm qua, đồng vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Trì.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thu Huyền - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; các tập thể lãnh đạo, cán bộ NHCSXH huyện Thanh Trì trong triển khai tổ chức thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn./.