Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường, đặc biệt môi trường biển. Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường. Nhận thức được vấn đề này, từ tháng 2/2022 Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đối tác đã đề xuất Dự án hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Đến ngày 9/1/2023, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đã được UNDP phê duyệt.

“Vấn đề môi trường tại các điểm du lịch luôn là vấn đề nóng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, đồng thời cũng là một trong những lý do khiến khách du lịch “một đi không trở lại”... Vì thế, triển khai dự án này là việc làm vô cùng quan trọng, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của ngành du lịch trong bảo vệ môi trường bởi đối tượng hướng đến của Dự án là những người kinh doanh du lịch và cả du khách. Nếu người kinh doanh du lịch làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch và du khách cũng sẽ ý thức hơn để bảo vệ môi trường vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành du lịch. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, năm 2018 Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần. Vì thế, theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, đây là nguyên nhân hơn 3000 km đường bờ biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách.

Tại lễ khởi động dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP thông tin: Đây là dự án đầu tiên UNDP tài trợ cho Hiệp hội Du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa. Dự án gồm 3 hợp phần chính: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (Apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. "Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch là rất quan trọng vì có thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành vi. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ những hành động nhỏ hàng ngày, thường xuyên và liên tục: hạn chế sử dụng túi nilon, đồ dùng 1 lần... đó là điều ta có thể làm ngay để giảm thiểu dần việc xả rác thải nhựa, từ đó chất lượng môi trường mới được cải thiện" - bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam được thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và sẽ được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước. Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Trên huyện đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nếu du khách sử dụng túi nilon sẽ được người dân tại đây nhắc nhở, đồng thời tuyên truyền, vận động về quy định của đảo. Người dân giúp họ chuyển đổi túi nilon bằng các loại túi sinh thái và khách du lịch tỏ ra rất thích thú với việc mua quà và quà được gói vào giấy báo thay thế cho túi nilon. Chính nhờ thói quen ấy mà hòn đảo xinh đẹp này đã gìn giữ được môi trường trong lành, thân thiện.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển. Do đó, thông qua dự án, ông Siêu mong muốn nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa được nâng cao. Nhưng để giảm thiểu rác thải nhựa cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các bộ ngành liên quan và cả người dân nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.