“Việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 phải thật khẩn trương, gấp rút hoàn thiện ngay trong tuần này. Căn cứ vào tình hình địa phương, càng bớt được thủ tục thì càng tốt”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, yêu cầu các tỉnh, thành phố phải đẩy nhanh tốc độ triển khai nghị quyết 68 đồng thời chú trọng khâu hậu kiểm.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh: Từ khi chưa có nghị quyết 68 của Chính phủ, thành phố đã triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng với 6 nhóm đối tượng bao gồm người bị cách ly tập trung, đối tượng tham gia phòng chống dịch, lực lượng tham gia phòng chống dịch; nhóm lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, người bị ngừng việc; hỗ kinh doanh cá thể; thương nhân ở các chợ truyền thống; lao động tự do. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 106 nghìn người đạt 46%, trong đó nhiều nhất là nhóm lao động tự do, người yếu thế. Ngoài ngân sách, người dân thành phố cũng đã ủng hộ 87 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng yếu thế với nhiều siêu thị 0 đồng, cây gạo ATM….phát huy “tình làng nghĩa xóm” trong khó khăn. Đối với việc triển khai Nghị quyết 68, ông Lê Minh Tấn khẳng định cũng sẽ làm khẩn trương với thủ tục đơn giản, phấn đấu cuối tháng 7 này sẽ thực hiện xong việc hỗ trợ.

Đối với nhóm lao động tự do, số lượng khoảng 226.000 người, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ đợt 1, với mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày (từ 31/5 đến 29/6). Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 là 15 ngày với mức 50.000 đồng/người/ngày.

Theo ông Lê Minh Tấn các cơ quan chức năng thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí có những nhóm chính sách, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để chuyển tiền tới người hưởng lợi.

“Ngày 15/7 việc chi trả cho 226.000 lao động tự do sẽ kết thúc. Đến 30/7 sẽ kết thúc hỗ trợ cho các đối tượng có giao kết hợp đồng. Đặc biệt, người sử dụng lao động sẽ làm thủ tục nhận hỗ trợ cho người lao động, thẩm định 7 ngày sau đó chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ qua số tài khoản của người lao động. Dự kiến, từ 19 đến 23/7 sẽ là đợt cao điểm của Thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68”, ông Lê Minh Tấn cho biết.

Cũng như thành phố Hồ Chí Minh, bằng nguồn ngân sách của thành phố, Đà Năng đã thực hiện hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo; nhóm không có giao kết hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên, cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất. Dự kiến sử dụng tổng kinh phí trên 92 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 90 nghìn đối tượng. Trong tuần này, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành kế hoạch, chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68.

“Với tình hình Covid diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc làm cũng rất cần quan tâm, cho nên đề nghị trung ương nghiên cứu, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng chính sách đối với người nghèo và giải quyết việc làm. Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết việc làm cho các địa phương, tạo điều kiên cho nhân dân vay giải quyết việc làm tại chỗ”. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng đề nghị.

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã lên kế hoạch triển khai triển khai nghị quyết 68 với tinh thần chủ động, khẩn trương.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, ngoài việc hoan nghênh một số địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện nhanh và quyết liệt như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng…Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng cũng nghiêm khắc phê bình một số tỉnh, thành triển khai chậm trễ trong thực hiện chính sách này. Tới thời điểm này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của các tỉnh, thành phố. Trong đó Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt lưu ý đối với Hà Nội.

“Hà Nội vẫn đang xây dựng quy trình và chưa ban hành được kế hoạch thực hiện. Tốc độ triển khai của Hà Nội như vậy là chậm trễ. Thủ tục hành chính mức độ thôi. Nghị quyết 68 và quyết định 23 đã quy định rất rõ, rất thông thoáng. Các ngành liên quan, trực tiếp là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có hướng dẫn cụ thể”. Bộ trưởng Đào ngọc Dung thẳng thắn.

Không chỉ nhắc nhở Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh, thành cần triển khai ngay nghị quyết 68, đặc biệt là lao động tự do và yêu cầu các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dich. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no, đừng để khi khó khăn qua rồi chúng ta mới hỗ trợ thì lúc đó không còn ý nghĩa gì nữa… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.