Trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân sẵn sàng xả thân cho Tổ Quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình.

Để cùng nhau thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ năm 2010 đến nay, hàng trăm thương bệnh binh nặng, người nhiễm chất độc da cam/dioxin trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã cùng nhau thành lập và sinh sống dưới mái nhà chung là “Công ty Thương binh nặng 27/7 và Người nhiễm chất độc hóa học dioxin Việt Nam”.

Những người lính từng một thời vào sinh ra tử, chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường, khi về với cuộc sống đời thường, dù còn mang trong mình những vết thương, những mảnh đạn, nhưng họ không trông chờ, ỷ lại mà đồng tâm nhất trí, sáng tạo vượt khó vươn lên trên mặt trận mới là sản xuất kinh doanh và làm công tác xã hội. "Mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Chính vì thế, thế hệ chúng ta hôm nay không chỉ chăm lo công việc hiện tại, mà còn phải suy nghĩ và hành động theo gương thế hệ đi trước, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ mai sau kế thừa xứng đáng sự nghiệp của cha anh”. Ông Lê Văn Cương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thương binh nặng 27/7 và Người nhiễm chất độc hóa học Dioxin Việt Nam nhấn mạnh.

Cùng với việc phát triển sản xuất, kinh doanh, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội luôn được công ty quan tâm thực hiện. Nhiều hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng tích cực hưởng ứng. Các phong trào như: Ðền ơn đáp nghĩa; chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng; áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…tạo công ăn việc làm cho con em cựu chiến binh, gia đình chính sách được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương.

Chiến tranh đã trôi qua hàng thập kỷ, dù Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương có nhiều chính sách quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách nhưng vết thương mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta không thể quên những mất mát hy sinh mà các gia đình đã phải trải qua. Việc làm của các tổ chức, cá nhân thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn nhưng so với mất mát của các gia đình thì vẫn còn khiêm tốn. Ông Nguyễn Văn Thắng - thành viên Công ty 27/7 khẳng định.

Cựu chiến binh Ngô Xuân Chiến (Thạch Thất - Hà Nội) cho biết: "Tôi tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn, đánh nhiều trận bị thương ở chân nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác là được trở về với gia đình, với người thân. Nay được sống trong hòa bình tự do, thấy mình vô cùng may mắn khi được chứng kiến sự phát triển của đất nước. Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, tôi lại được gặp gỡ các đồng đội, các thế hệ, được nhận sự quan tâm, chia sẻ của những người lính trong công ty 27/7 trong lòng cảm thấy vô cùng tự hào, như được sống lại một thời thanh xuân đi đánh giặc", ông Chiến cho biết.

Cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, hoạt động tri ân, thiện nguyện nhiều tổ chức, cá nhân sẽ luôn được tiếp tục để góp phần nhỏ bé tri ân các anh hùng liệt sĩ, giúp thân nhân của họ được bù đắp phần nào những mất mát đang phải trải qua./.