Đều đặn vào cuối tuần, ông Phùng Xuân Chấn - Trưởng khu Lóng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ lại đến từng nhà đến tuyên truyền, phổ biến một số chính sách cho người dân trên địa bàn.

Khu Lóng là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Thạch Kiệt, đường sá đi lại khó khăn. Những năm trước do chưa có điện lưới và sóng điện thoại, người dân ít được tiếp cận với các thông tin, chính sách của Đảng, nhà nước. Vì vậy, những cán bộ thôn, xóm như ông Chấn lại càng vất vả hơn. Ông Chấn kể: “Năm ngoái thôn tôi mới có điện nên bây giờ vẫn chưa có loa để tuyên truyền cho bà con. Chúng tôi vẫn phải đến từng hộ gia đình để tuyên truyền giúp bà con nắm được. Sắp tới cũng dự kiến lắp hệ thống loa tới từng xóm để người dân tiên nằm bắt thông tin”.

Do điều kiện đi lại khó khăn, người dân ít được tiếp cận với truyền thông nên tỉ lệ tái nghèo còn cao. Có không ít trường hợp dù được vay vốn nhưng do không được tuyên truyền, hướng dẫn nên không biết mua cây, con giống sao cho phù hợp lại bỏ tiền vào ống nứa cất lên mái nhà, hay có những trường hợp, chồng đi làm ăn xa gửi tiền về cũng cất vào ống, khi chồng về bỏ ra thì tiền đã mục nát. Từ khi xã và huyện đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức của người dân đã dần thay đổi.

Trước kia, gia đình ông Dương Kim Viên luôn sống trong cảnh bất an bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở núi. Gia đình thuộc hộ nghèo, ông là lao động chính nên cuộc sống rất chật vật. Năm 2018, được Nhà nước cấp đất rừng và được tham gia nhiều buổi tập huấn về khoa học kỹ thuâth, gia đình ông Viên đã từng bước ổn định cuộc sống. Từ khi có đất, gia đình ông chuyển sang trồng cây keo, cây bồ đề. Thu nhập nhờ đó cũng khá hơn. Ngoài được cấp đất, ông Viên cũng chịu khó học hỏi anh em bạn bè để trồng các loại cây sao cho phù hợp với đất đai, điều kiện của địa phương. Bây giờ thông tin được biết qua TV, internet cũng giúp cho bà con có kỹ thuật, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhận thức nhanh hơn – ông Viên tâm sự.

Dù có hơn 4 ha trồng quế nhưng do thiếu kiến thức chăm sóc nên gia đình ông Phùng Xuân Liên vẫn thuộc diện nghèo của xã. Ước mơ của ông khi ấy là có kiến thức cũng như nguồn vốn để chăm sóc cây cối và chăn nuôi đại gia súc. Đáp ứng nguyện vọng của hội viên, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, gia đình ông Liên mạnh dạn chuyển sang trồng quế. Mỗi vụ cũng cho thu nhập trên 70 triệu đồng, nhờ vậy, gia đình ông đã thoát nghèo.

Mặc dù là xã vùng cao, điều kiện sản xuất gặp khó khăn, nhưng trong những năm qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Thạch Kiệt đã quyết tâm phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, năm 2021 còn 25,49%; năm 2022 giảm còn khoảng 18%. Theo bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt, có được kết quả này là do xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà Oanh cho biết: Từ khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm nghèo, bộ mặt nông thôn thay đổi. Bà con chủ động học hỏi kinh nghiệm, chủ động phát triển kinh tế, không ỷ lại trông chờ chính sách hỗ trợ nhà nước. Xã cũng lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như truyền thông qua những trang thông tin của xã, trên đài phát thanh, góp phần thay đổi nhận thức bà con trong phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con tiếp cận chủ trương chính sách Nhà nước sớm nhất.

Nhờ được tuyên truyền, định hướng kịp thời, giờ đây, bà con xã Thạch Kiệt càng thêm tin tưởng và cùng nhau học hỏi, bắt tay vào làm giàu. Tuy số lượng hộ gia đình thoát nghèo hiện tại chưa nhiều nhưng chỉ trong thời gian ngắn nữa vùng quê Thạch Kiệt sẽ có nhiều khởi sắc đáng mừng./.

Mời nghe bài viết tại đây: