Đại dịch Covid -19 bùng phát làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế ở nhiều quốc gia và các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, để chấm dứt cuộc khủng hoảng Covid-19 không có cách nào khác, ngay từ bây giờ, chúng ta phải đầu tư vào các hệ thống y tế có khả năng bảo vệ tất cả. Đó chính là bảo hiểm y tế (BHYT).

Ở nước ta, chính sách BHYT được thực hiện từ năm 1992 và đến năm 2008 thì luật BHYT chính thức ra đời có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Đây cũng được coi là ngày truyền thống của BHYT. Mỗi năm truyền thông cho BHYT sẽ có những chủ đề khác nhau như: “Thực hiện BHYT tiến tới BHYT toàn dân” hoặc “Thực hiện BHYT để chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Năm nay trước bối cảnh dịch covid 19 bùng phát mạnh ở nước ta, Bộ y tế đã lựa chọn chủ để “Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trao đổi với PV VOV2, ông Phan Văn Toàn – Phó vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết: Tính đến hết năm 2020, ở nước ta, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 90%. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, làm thế nào để duy trì nguồn quỹ BHYT sẽ có tác dụng rất lớn giúp đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nếu không may nhiễm Covid-19.

Ngay từ lúc dịch bệnh mới xuất hiện cho đến nay, quỹ BHYT đã được sử dụng để thanh toán chi phí xét nghiệm đối với người có thẻ BHYT trong trường hợp phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Với các trường hợp mắc Covid-19, quỹ BHYT đảm nhận việc thanh toán phần chi phí khám, chữa các bệnh khác theo quy định, trừ chi phí khám chữa bệnh do Covid-19 đã được ngân sách nhà nước chi trả. Người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nếu buộc phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán Covid-19 đều được quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi kể cả test nhanh và PCR. Với việc hơn 90% dân số đã tham gia BHYT, những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ y tế cần thiết để sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, dịch Covid-19 cũng có tác động không nhỏ lên hệ thống khám chữa bệnh BHYT. Chính vì vậy, thời gian qua, BHYT cũng đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp và kịp thời:

Thứ nhất, quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.

Thứ hai, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến. Hoặc có trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến TW đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển về cấp dưới cho bệnh nhân.

Thứ 3, người bệnh có thể sử dụng giấy hẹn tái khám lại đã hết hạn những vẫn được BHYT thanh toán.

Những điều chỉnh này của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh là rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Cũng theo ông Phan Văn Toàn, trong thời gian tới, dự kiến Luật BHYT sẽ có nhiều sửa đổi, đó là: xác định rõ đối tượng nào được ngân sách nhà nước đóng, đối tượng nào phải tự đóng; mở rộng phạm vi quyền lợi (có thể đưa y tế dự phòng, trong đó có việc sử dụng vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc 1 số trường hợp bắt buộc khác với người tham gia BHYT…).

Dù sửa đổi hay bổ sung như thế nào thì mục tiêu mà BHYT hướng tới vẫn là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân./.