Theo chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch Covid-19 tại nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương tạm dừng toàn bộ việc thực hiện các Chỉ thị 15, 16, 19, chuyển trạng thái từ "không Covid-19" sang "sống chung với Covid-19". Chiến lược cụ thể là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mục tiêu là nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Quy định của Trung ương là vậy nhưng đến sáng nay (15/10), tại chốt kiểm soát thuộc địa phận phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân vẫn phải đáp ứng yêu cầu có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính có hiệu lực trong 72 giờ, giấy đi đường và phải khai báo y tế mới được đi qua. Yêu cầu này khiến người dân rất bức xúc bởi những tốn kém không cần thiết.

Anh Phạm Trí Tranh, nhà ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội là một ví dụ. Nơi ở cách chỗ làm việc thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên chưa đến 1 km nhưng cứ 3 ngày anh lại phải đi xét nghiệm một lần để đủ điều kiện đi qua chốt. “Hàng ngày em đi làm, em phải có giấy đi đường, test Covid-19 có giá trị trong 72 giờ thì mới được qua chốt. Chi phí mỗi lần test dao động từ 150 nghìn đến hơn 200 nghìn. Nhà cách chỗ làm có hơn 600 mét. Em thấy đấy lãng phí, nó không đáng”, anh Tranh bức xúc.

Nghe các phương tiện truyền thông đưa tin về chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết 128/NQ-CP, chị Nguyễn Thị T, ở huyện Mê Linh, Hà Nội hiểu rằng, người dân giữa các vùng dịch cùng cấp độ đã có thể đi lại bình thường mà không cần giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính có hiệu lực trong 72 giờ. Do đó, khi đi qua chốt kiểm soát thuộc địa phận phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chị rất bất ngờ khi bị chặn lại do không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của Vĩnh Phúc. Dù bức xúc nhưng chị cũng đành ngậm ngùi quay xe. “Em ở Hà Nội, em đi lấy ít đồ nhưng người ta không cho đi qua vì không có giấy test Covid và giấy đi đường. Người ta không cho đi thì em chấp hành thôi”, chị T than thở.

Thậm chí cả những cá nhân mà nhà ở địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, dù cách chốt kiểm soát của thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc vài chục mét cũng không thể đi qua chốt để giao nhận hàng nếu không đáp ứng yêu cầu về giấy đi đường và giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực trong 72 giờ. “Theo tôi hiểu thì sau Nghị quyết 128 của Chính phủ, lưu thông sẽ thông suốt nhưng không hiểu vì sao mà Vĩnh Phúc vẫn không mở. Nhiều người qua đây cũng phải quay đầu vì không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của Vĩnh Phúc. Chúng tôi trông chờ các cấp lãnh đạo rà soát để tạo thuận lợi cho nhân dân chúng tôi đi lại làm ăn”, ông Nguyễn Văn T, nhà ở huyện Mê Linh, Hà Nội giáp danh với thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Hoàng Việt Tùng, Phó Trưởng Công an phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc - người chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại điểm chốt thuộc địa bàn phường chia sẻ, ông biết Hà Nội đã gần như mở cửa trở lại các hoạt động từ 14/10. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc vẫn duy trì các chốt kiểm soát người dân vào tỉnh. Đó là các chốt cầu Xuân Phương, chốt đường 23 và chốt đường 100. “Chúng tôi chưa nhận được lệnh chỉ đạo của tỉnh nên hiện, người dân phải có giấy cam kết, giấy xác nhận của nơi cư trú hoặc cơ quan nơi làm việc, giấy xét nghiệm covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh kháng nguyên thì mới được vào địa bàn”, ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, một trong những lý do mà tỉnh vẫn kiểm soát chặt người vào địa bàn là do vừa rồi có 2 trường hợp từ Vĩnh Long di chuyển về Hà Nội, sau đó từ Hà Nội về Vĩnh Phúc. Đó là những cá nhân ở các địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh. Hai trường hợp này ngay sau đó đã được đưa đi cách ly để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

“Chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào về việc tháo chốt cả. Chúng tôi vẫn kiểm tra bình thường với tất cả mọi người, đặc biệt kiểm soát chặt người từ các tỉnh phía Nam về. Mưa gió chúng tôi cũng vẫn phải làm”, ông Tùng nhấn mạnh.

Không chủ quan trong công tác phòng chống dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP với chiến lược "sống chung với Covid-19" nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” thì rõ ràng những gì đang diễn ra tại các chốt kiểm soát dịch của Vĩnh Phúc đang quá cứng nhắc, trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Nói cách khác, dù “phép vua” đã được ban hành nhưng muốn vào địa bàn Vĩnh Phúc, người dân vẫn phải theo “lệ làng”.