Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt trong đó có Việt Nam.

Một con số thống kê cho thấy, ở nước ta, hàng năm ước tính có khoảng hơn 3 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông Nguyễn Thi, Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường thông tin, ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta ngày càng ngày càng gia tăng. Nếu như năm 1990 mỗi người chỉ sử dụng bình quân khoảng 3,8kg/năm thì hiện nay con số này đã tăng lên khoảng 52kg/người/năm (tăng gấp gần 14 lần sau hơn 30 năm).

Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Đây là một gánh nặng đối với môi trường và gây ra rất nhiều hệ luỵ đối với đời sống, sức khoẻ của con người”, ông Thi cảnh báo.

Trong bối cảnh như vậy, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Phát triển xanh, phát triển bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể trong việc đối phó và xử lý với vấn đề rác thải nhựa. Phương thức tiếp cận mà nhiều doanh nghiệp hướng đến là xây dựng một hệ thống kinh tế tuần hoàn và bền vững, tập trung vào 3 trọng tâm chính là: Phát triển bao bì bền vững cho tương lai, xây dựng và định hình một tương lai không rác thải nhựa, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc sử dụng, xử lý bao bì sản phẩm. Có thể nói với những nỗ lực này, đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Ông Nguyễn Thi nhấn mạnh, các doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc thay đổi cách ứng xử đối với nhựa cũng như thay đổi thiết kế đối sản phẩm nhựa. Trách nhiệm này được thể hiển bằng chính việc doanh nghiệp thiết kế sản phẩm làm sao cho dễ dàng thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi việc sử dụng nhựa sang một loại vật liệu khác thân thiện với môi trường hoặc dễ thu gom, tái chế hơn để tránh việc sử dụng một cách tối đa các sản phẩm nhựa.

Bên cạnh đó, gần đây, nước ta cũng đang hướng đến các doanh nghiệp với trách nhiệm của họ thông qua chính sách "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (còn gọi là EPR). Đây là quy định buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Trên thế giới, EPR là cơ chế được áp dụng rộng rãi, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Còn tại Việt Nam, EPR được quy định lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 với quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và được cụ thể hóa tại Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, EPR được tiếp tục kế thừa và quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với quy định trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và được cụ thể hóa tại Quyết định 16 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam. Các Điều 54, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Thi, trước thực trạng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, gia tăng biến đổi khí hậu thì trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là quy định quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là xu hướng tất yếu hiện nay nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế ổn định và nâng cao hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp.

“Nhà sản xuất nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm bao bì của mình khi đưa ra thị trường theo một tỷ lệ nhất định và quy cách tái chế nhất định”. Ông Thi đưa ra ví dụ: Với các chai sử dụng nhựa PET, theo quy định nhà sản xuất, nhập khẩu, trong một năm phải thu thu về một lượng là 22% trên tổng số sản phẩm chai nhựa pet đưa ra thị trường.Và số lượng chai nhựa nhựa PET thu về phải được tái chế theo quy cách tái chế, có thể chuyển thành xơ sợi hay là hạt nhựa để đem đi tái chế hoặc thành các sản phẩm mang tính thương mại có giá trị cao hơn. Ông Thi cũng nhấn mạnh, trách nhiệm này là bắt buộc để các nhà sản xuất phải chung tay cùng với Chính phủ và nhân dân trong việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng.

Có thể nói, với những lợi ích mà trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất mang lại cho doanh nghiệp, môi trường và xã hội nên ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến cũng như tập huấn cho các doanh nghiệp để giúp họ nhận thức đúng và thực hiện công cụ chính sách này một cách có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để thực hiện EPR thành công và xây dựng được các mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp đã, đang và sẽ gặp không ít thách thức từ nhận thức, công nghệ, vốn, năng lực tái chế thời gian và chi phí cơ hội.

“Đến nay, vướng mắc lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt chính là sự tiếp cận của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến thời điểm triển khai thực hiện họ mới bắt đầu tìm hiểu và bước đầu hình thành nhận thức về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”. Ngoài ra một thách thức nữa cũng được ông Thi nhắc tới, đó là năng lực thu gom, tái chế ở nước ta hiện nay đang phải phụ thuộc phần lớn vào các khu vực phi chính thức, hiệu quả thấp và chất lượng thu gom cũng hạn chế.

Nhận thức của chính người dân trong việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt cũng là một khó khăn, cản trở các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Theo Nghị định số 08/2022 với các chương về quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất thì các doanh nghiệp có thể đóng góp tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Hoặc tự tổ chức hệ thống tái chế cho các sản phẩm và bao bì của mình. Trong trường hợp này, công việc có thể được thực hiện bởi chính công ty hoặc xử lý bởi một công ty dịch vụ được chứng nhận. Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhà sản xuất sẽ phải tự kê khai, đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc hậu kiểm cũng như sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương để giám sát việc kê khai và thực hiện trên thực tế của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thi cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được thực hiện hiệu quả ở các nước Châu Âu hơn 30 năm qua. Họ triển khai thông qua các đơn vị trung gian giúp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thu gom và quản lý dữ liệu trong việc đưa ra thị trường các sản phẩm cũng như thu hồi tái chế các sản phẩm đó. Học hỏi kinh nghiệm này, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thúc đẩy để các doanh nghiệp thông qua bên thứ ba,ủy quyền cho họ để tổ chức thực hiện trách nhiệm của mình.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập Hội đồng EPR Quốc gia, Văn phòng EPR Việt Nam để giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vận hành hệ thống EPR liên kết các bên, quản lý dữ liệu giúp doanh nghiệp kê khai thực hiện trách nhiệm, báo cáo quá trình thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Thi thông tin.

Mời các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thi - Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường tại đây