Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương 34 triệu người. Số lao động này tự kiếm việc làm, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động, tăng 236 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Số người chết và bị thương nặng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – người đã từng gắn bó với nghề mộc Thượng Mạo, quận Hà Đông, Hà Nội đã hơn 30 năm nay. Nghề này giúp nhưng người như ông có thu nhập nhưng cũng khiến không ít lao động bị thương. "Người may mắn ở mức độ nhẹ chỉ là vết khâu nhỏ ở tay, nhưng cũng có người bị mù hoặc mất vài ngón tay", ông Tuấn chia sẻ.

Làm việc trong môi trường luôn tiềm ẩn những rủi ro về lao động, bệnh nghề nghiệp như vậy, nhưng nhiều lao động trong khu vực phi chính thức lại không hề quan tâm đến chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Lê Thị Minh – lao động tự do tại chợ Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, nếu tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng khá nhiều quyền lợi nhưng tôi vẫn chưa nắm được nội dung này”.

Còn anh Phạm Minh Sơn - lao động tự do cũng rất ngơ ngác khi được hỏi về Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Theo anh Sơn, dù làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy và thu nhập lên xuống thất thường nhưng anh cũng rất muốn tham gia một quỹ bảo hiểm nào đó. “Tôi làm quét dọn, bốc vác, đẩy xe hàng,… công việc luôn có rủi ro. Nếu trích tiền để tham gia bảo hiểm khi mình bị tai nạn được hỗ trợ chi phí thì dù khó khăn cũng cố” – Anh Sơn nói.

Mặc dù Chính phủ đã có những quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh lên 100% thay vì 50% như trước đây; cùng với đó đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ khoanh vùng giới hạn là người lao động bị bệnh nghề nghiệp như trước…nhưng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm loại hình này vẫn thấp.

Theo ông Lương Phan Cừ - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tăng tỷ lệ người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong thời gian tới chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để tất cả các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp phải được công khai. Riêng các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực chính thức thì phải được bảo hiểm xã hội thanh toán đầy đủ. Có như vậy mới tạo niềm tin cho người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia nhiều hơn bảo hiểm tai nạn lao động.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là với những người lao động khi phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Thế nhưng, rất nhiều người trong số đó lại đang thờ ơ với sự an toàn của chính bản thân mình.

Mời nghe chương trình tại đây: