Theo tính toán, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào tháng 4/2023. Đồng nghĩa với việc, Việt Nam sẽ chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một lợi thế lớn với Việt Nam khi được bổ sung nguồn nhân lực lớn để có thể tăng trưởng và bứt tốc.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học KTQD), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, sự kiện chào đón công dân thứ 100 triệu sẽ là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng của quốc gia. Ấn tượng không bởi chỉ quy mô lớn mà còn bởi sự phát triển rất nhanh. "Khi giải phóng Điện Biên thì Việt Nam chỉ có 30 triệu người, khi nước nhà thống nhất, năm 1976 thì chúng ta cũng chỉ có 48 triệu dân, nhưng nay đã lọt vào top 15 nước đông dân nhất thế giới và đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy có thể thấy Việt Nam đã trở thành một cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc".

Có thể nói khi dân số đạt mốc 100 triệu dân là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức khi mà chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lại được xem là “chưa vàng”.

“Nếu 100 triệu dân nhưng kinh tế không phát triển, trình độ dân trí thấp thì rất khó phát triển. Nhưng nếu 100 triệu dân kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao thì nó lại là cơ hội phát triển rất lớn. Việt Nam là một thị trường lớn, đông dân, nhiều lao động với hơn 50 triệu lao động, do đó có điều kiện để phát triển ngành kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển cả công nghiệp và dịch vụ. Dân số đông, lực lượng dồi dào là một sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, về mặt thách thức thì 100 triệu dân cũng đặt ra vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, nhất là khi diện tích đất đai bình quân đầu người thấp rồi biến đổi khí hậu…thì việc đảm bảo giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường cho 100 triệu dân sẽ là bài toán không hề đơn giản” - GS.TS Nguyễn Đình Cử lưu ý.

Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cơ cấu dân số vàng mới chỉ thể hiện ở số lượng người trong độ tuổi lao động. Một trong những vấn đề lớn hiện nay chúng ta đang phải đối mặt là chất lượng nguồn nhân lực, bởi phần lớn là các lao động trẻ và chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó thời kỳ công nghệ 4.0 máy móc đang dần thay thế con người, nếu chất lượng nguồn lao động không được cải thiện thì rất dễ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng để giải bài toán này chúng ta phải làm từ rất sớm và từ rất xa. "Ngay từ khi con người ra đời là chúng ta phải chú ý đến chất lượng rồi. Ví như là bây giờ người ta đang vận động các bà mẹ tầm soát trước sinh rồi sinh con ra lại phải tầm soát sơ sinh để phát hiện sớm bệnh tật. Vì nếu tỷ lệ bệnh tật mà cao thì không thể nào đảm bảo sức khỏe để lao động. Sau đó đến tuổi đi học thì các cháu được giáo dục tốt, rèn luyện sức khỏe tốt và đến tuổi đi lao động thì nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật...".

Khi thời kỳ dân số vàng kết thúc, nước ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2038. Nếu không phát huy tối đa lợi thế dân số vàng thì người Việt có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già", nhất là khi nước ta được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Cử cũng cho rằng không nên chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn ở khía cạnh tích cực của già hóa dân số. “Hiện nay nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục khỏe mạnh và vẫn tiếp tục làm việc, chiếm khoảng 8% lực lượng lao động ở nước ta. Đây là nhóm người có kinh nghiệm trong sản xuất, trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cái thứ hai là khi người cao tuổi đông lên thì nó cũng mở ra một thị trường mới đó là cung cấp dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi”.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế. Với quy mô dân số đạt 100 triệu dân – Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi dân số có sự phát triển thiếu đồng đều giữa các vùng, miền. Thế nên, điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng dân số, chỉ khi chúng ta có được dân số chất lượng cao thì mới có thể phát triển nguồn nhân lực tốt.

Mời nghe âm thanh tại đây: