Anh Nguyễn Văn Ngọc ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có thâm niên hơn 10 năm làm việc cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Giàu kinh nghiệm, lại có trình độ nên trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh không nghĩ sẽ có ngày lâm cảnh thất nghiệp. Anh Ngọc cho biết ban đầu công ty cắt giảm thu nhập, sau đó vì không còn khả năng thanh toán lương nên buộc phải cho anh nghỉ việc.

Anh Ngọc là lao động chính, mọi chi phí cho sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào thu nhập của anh. Nếu dịch bệnh không xảy ra, khéo chi thì tiền lương hàng tháng vừa đủ chi tiêu. Không có nguồn tích lũy nên khi phải nghỉ việc, anh Ngọc không khỏi lo lắng. Nhưng nỗi lo ấy sau đó đã được giải tỏa phần nào khi anh tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. “Em có 2 cháu, một cháu học lớp 11, một cháu học lớp 7. Các cháu học trực tuyến nên vẫn phải đóng tiền. Ngoài ra còn chi phí sinh hoạt, rồi tiền điện, tiền nước…Khoản trợ cấp thất nghiệp thì mỗi tháng em được hơn 3 triệu. Nếu không có khoản đó thì thực sự khó khăn”, anh Ngọc chia sẻ.

Với mức lương 15 triệu đồng/tháng nhưng chị Bùi Thị Bích, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phải một mình nuôi 2 con nhỏ. Thu nhập vì thế chỉ vừa đủ trang trải sinh hoạt và tiền học hành cho 2 con. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị rất lo bị công ty cho nghỉ việc. Và rồi điều lo lắng ấy đã xảy đến khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Song may mắn là trong thời gian qua, khi bị mất thu nhập, chị vẫn có thể đảm bảo cuộc sống cho 3 mẹ con bằng nguồn trợ cấp thất nghiệp. “Em tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 2014, mức đóng cũng kha khá nên em được hưởng 10 tháng trợ cấp với mức hưởng là 4,3 triệu/tháng. Một mình nuôi 2 con ăn học mà thất nghiệp quả thực rất khó khăn. May nhờ có nguồn trợ cấp thất nghiệp nên cuộc sống của 3 mẹ con mới tạm ổn”, chị Bích thổ lộ.

Khác với chị Bích và anh Ngọc, anh Phúc Nguyên, quê ở Hà Nam chưa lập gia đình. Không tốn chi phí nuôi con nhưng hàng tháng anh Nguyên lại tốn tiền triệu cho việc thuê nhà trọ. Anh cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, phải nghỉ việc, mất thu nhập anh từng nghĩ sẽ không thể bám trụ tại Hà Nội. Cũng nhờ có nguồn trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, anh mới yên tâm bám trụ để tìm việc làm mới. “Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ em trang trải cuộc sống trong lúc mất thu nhập. Em mong sớm đẩy lùi dịch để cuộc sống trở lại bình thưởng”, anh Nguyên bày tỏ.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến đầu tháng 8/2021, cả nước có hơn 13 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp lao đao, người lao động mất việc làm thì chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đang trở thành điểm tựa, giúp những người mất việc làm đảm bảo cuộc sống.

Bà Vũ Thị Thúy Liễu, Phó Giám đốc Trung Tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, riêng tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2021, đơn vị tiếp nhận 48.994 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là chính sách an sinh quan trọng, đảm bảo phần nào đời sống cho người lao động khi mất việc làm và gia đình họ, góp phần ổn định kinh tế và xã hội. Theo bà Liễu, có thể coi là bảo hiểm thất nghiệp là “chiếc phao cứu sinh” cho những lao động bị mất việc làm. Bởi lẽ, ngoài số tiền trợ cấp để người lao động và gia đình họ ổn định cuộc sống, họ còn được hưởng các quyền lợi như tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Bà Liễu cho biết, từ những đợt dịch trước, nhiều lao động sau khi học nghề tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhằm chuyển đổi công việc đã lật ngược tình thế. “Một số học viên của chúng tôi, sau khi học nghề, họ đã mở các quán ăn, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa và đã trở thành những ông chủ, bà chủ nhỏ”, bà Liễu chia sẻ.