Theo Báo cáo hiện trạng môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, mỗi năm, lượng rác thải ra gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế riêng rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế...Việc tận dụng được nguồn rác thải này chắc chắn đêm lại lợi ích cho các bên.

Từ tháng 10/2023, hàng loạt sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia thị trường toàn cầu. Ngành đồ uống sẽ có lợi ích khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiềm năng như bã hèm, men thải, các loại bao bì, pallet nhựa, thùng rác. Tiến sĩ Lại Văn Mạnh – Trưởng ban, Ban kinh tế tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng để thích ứng với xu thế xanh hóa bao bì, các nhà sản xuất ngành đồ uống phải thay đổi tư duy.

"Bước khởi đầu của kinh tế tuần hoàn mà các học giả nhắc đến là rethink tức phải tư duy lại chính chu trình sản xuất và hành động để tìm ra những cơ hội lựa chọn giải pháp nào phù hợp với điều kiện của chúng ta" - TS Lại Văn Mạnh nêu quan điểm. Trong lâu dài, Hiệp hội đồ uống phải có giải pháp tầm ngành như liên kết doanh nghiệp để thiết kế sinh thái thực hiện thu hồi sản phẩm thải bỏ có tính quy mô hơn.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và đặc biệt là Nghị định 08 Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa các điều về trách nhiệm của nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, nhà sản xuất thể hiện trách nhiệm mở rộng bằng cách tự tái chế hoặc thuê đơn vị khác tái chế.

Đối với ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, bao bì nhựa cũng như đồ nhựa dùng một lần là thứ không thể thiếu, tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo điều kiện bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhu cầu đồ nhựa dùng một lần cho thực phẩm, đồ uống cũng tăng cao cùng với sự phát triển của các dịch vụ mua sắm, đặt đồ ăn trực tuyến. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu chỉ là câu chuyện tái chế không thì chưa đúng với ý nghĩa của cụm từ “kinh tế tuần hoàn”.

"Kinh tế tuần hoàn rộng hơn tái chế nhiều, nghĩa là tác động từ thiết kế sản phẩm, nguồn nguyên liệu, phân phối, quản lý chất thải", PGS-TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết.

Trình bày tại Hội thảo giải pháp bao bì được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 4, Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ đã công bố nghiên cứu đánh giá và so sánh 4 loại vật liệu sử dụng phổ biến trong ngành đồ uống: Lon nhôm, chai nhựa, chai thủy tinh và hộp giấy. Trong đó có 2 loại tác động thấp đến môi trường là lon nhôm và hộp giấy. PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết cho rằng cơ hội tái chế cao lại rơi vào 2 vật liệu còn lại là nhựa và thủy tinh.

Bà Tuyết cho rằng cần có sự phân tích từng vật liệu để thực hiện kinh tế tuần hoàn toàn diện nhất. Đối với nhôm cần thiết kế nhẹ để hạn chế tác động môi trường, chai thủy tinh sẽ làm tăng khả năng tái sử dụng nhiều hơn nếu có thiết kế đa dụng. Về khâu nguyên liệu cần tối đa hóa nguồn năng lượng tái tạo phục vụ quá trình sản xuất và vật liệu có khả năng tái chế. Để hoàn thiện chu trình này cần tính đến bài toán công nghệ sản xuất và thiết kế bởi mục tiêu cao nhất là đảm chất lượng sản phẩm.

Vấn đề muôn thủa đặt ra đối với kinh tế tuần hoàn đó chính là phân loại rác phải đi trước một bước, trong khi, đó đây là điểm yếu nhất trong bài toán môi trường nước ta. Luật bảo vệ môi trường có đưa quy định phân loại rác tại hộ gia đình, không phân loại sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45 năm 2022. Theo đó, việc phân loại rác tại nhà được chia làm 3 nhóm: rác hữu cơ, rác tái chế và chất thải khác. Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng ban, Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện bắt đầu từ cuối năm 2024.