Ngày 26/9, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư với nước ngoài trong giáo dục năm 2024.
Hội nghị có sự tham gia của trên 300 đại biểu là đại diện Bộ GD-ĐT; các địa phương; tổ chức, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức giáo dục, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục trong và nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục tại Việt Nam.
Hội nghị là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cơ hội hợp tác, đầu tư; trao đổi, thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của các địa phương.
Đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục; Hỗ trợ các địa phương trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó trọng tâm tập trung thu hút các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, hợp tác quốc tế trong GD-ĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
“Trong gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt trong 10 năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hiểu biết quốc tế, ngoại giao nhân dân và là nền tảng cho các hoạt động hợp tác khác” -Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Tính đến 30/6/2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục ĐH trong nước; có 5 cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh ba ưu tiên chiến lược trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, đó là: Thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; Tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, có gần 22.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Việt Nam, cao nhất 9 năm qua. Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế cho biết, các trường ĐH Việt Nam tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
Tại hội nghị, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam đề, cần có khung chính sách hiệu quả, tạo ra môi trường mang tính kiến tạo để khuyến khích tương tác quốc tế, mang đến những trải nghiệm tích cực, để sinh viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà đầu tư cảm thấy phù hợp. Đồng thời, để trở thành điểm đến toàn cầu, cần rất nhiều yếu tố phải chuẩn bị như vị trí địa lý phù hợp, cách tiếp cận phù hợp, chính sách hiệu quả và đồng đều trên toàn quốc.
Những ý kiến, đề xuất đưa ra tại hội nghị sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, tiếp thu, tham khảo để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế, các điều kiện đảm bảo nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối, hợp tác trong giáo dục, thực hiện thành công, có chất lượng, đạt mục tiêu chiến lược đã đặt ra./.