Giáo viên mầm non đi qua khó khăn nhờ bảo hiểm thất nghiệp

Cô giáo Vi Hồng Hà tốt nghiệp ngành mầm non năm 2011. Tròn 10 năm, lần lượt chuyển qua 2 trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Nhưng đã gần 3 năm nay, cô Hà thấm thía những khó khăn do dịch bệnh tác động trực tiếp tới công việc cũng như thu nhập.

Nghề giáo viên mầm non vốn đã vất vả và nhiều thách thức, thu nhập lại chỉ vừa đủ chi trả cuộc sống thường ngày, rất ít có khả năng tích lũy. Rất may mắn khi chuyển về ngôi trường đang dạy hiện tại, từ những tư vấn của hiệu trưởng và các bạn đồng nghiệp, cô giáo Hồng Hà bắt đầu tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp. Cô Hà không ngờ đến một ngày, khoản bảo hiểm thất nghiệp lại giúp cuộc sống của cô và gia đình bớt khó khăn.

Trong đợt dịch Covid- 19 lần thứ 4, trường mầm non, nơi cô Hà đang dạy học không thể duy trì hoạt động và cũng không thể tiếp tục hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên như những đợt dịch trước. Chồng cô giáo làm ở ngành vận tải công cộng, khi Hà Nội thực hiện giãn cách đồng nghĩa không có thu nhập. May mắn, cô đã được hưởng khoản tiền 2,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp mỗi tháng.

Với khoản tiền này, cô Hà phải rất tằn tiện mới đủ cho hai vợ chồng với 3 con nhỏ. Nhưng trong lúc dịch bệnh khoản tiền nhỏ với gia đình cô rất có giá trị, khi mà nguồn tích lũy đã không còn sau liên tiếp những đợt nghỉ dịch.

Giống hoàn cảnh cô Hồng Hà, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền tốt nghiệp ngành mầm non đã được 4 năm và từ đó đến nay vẫn gắn bó với một trường mầm non tư thục thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Đi làm được gần 1 năm, cô bắt đầu tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời điểm đó, cô Huyền cũng không nghĩ gì nhiều đến quyền lợi bảo hiểm.

Trong lần đầu dịch bệnh xảy ra, thời gian nghỉ ngắn đồng thời nhà trường cũng hỗ trợ lương cơ bản nên mọi việc cũng “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, ở đợt dịch lần này khó khăn chồng khó khăn. Thời gian đầu khi Hà Nội chưa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cô giáo cùng các đồng nghiệp theo mô hình dạy 1:1 do nhà trường khởi xướng, đến nhà chăm sóc, hướng dẫn kỹ năng cho các bé trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm.

Nhưng việc hạn chế đối tượng di chuyển để phòng dịch ngay sau đó đã “đóng băng” tất cả công việc cũng như thu nhập của những giáo viên mầm non. Mất việc, khoản hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp với cô Huyền rất ý nghĩa. Sống chung cùng bố mẹ, không mất tiền thuê nhà và thêm nguồn hỗ trợ 2,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp chi trả mỗi tháng giúp gia đình nhỏ của cô Thanh Huyền tiếp tục cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, từ thực tế đi làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người lao động, trong đó có cả giáo viên mầm non đều băn khoăn về thủ tục vẫn còn khá rườm rà, phải đi lại nhiều lần và thời gian giải quyết thủ tục kéo dài cả tháng. “Em phải đi vài lần, từ lúc chốt sổ ở bảo hiểm hồi tháng năm đến tận gần cuối tháng 6 mới nhận tháng lương thất nghiệp đầu tiên. Quãng thời gian chờ đợi ấy, em sống bằng khoản tiết kiệm nhỏ cuối cùng của gia đình”, cô Hồng Hà chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp của cô Hồng Hà không kịp làm thủ tục hưởng bảo hiểm thì thành phố thực hiện giãn cách nên đã không thể nhận nguồn hỗ trợ quý báu trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Các cô kiến nghị cần có thủ tục linh hoạt kết hợp sử dụng công nghệ trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp sẽ phù hợp trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách như hiện nay.

Mức hưởng Bảo hiểm thất nghiệp:

Mức hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Trong đó:

+ Với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.

+ Với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

+ Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng BHTN: Được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.

+ Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Giáo viên mầm non trông chờ nguồn thu nhập bền vững

Các cô giáo mầm non tư thục đa phần thời gian đóng bảo hiểm chưa lâu. Như cô Hồng Hà và cô Thanh Huyền đều chỉ được nhận 3 kỳ bảo hiểm thất nghiệp. Bắt đầu từ tháng 9, khoản thu nhập nhỏ bé nhưng vô cùng quý báu ở thời giai đoạn khó khăn này sẽ không còn.

Trường mầm non Mẹ Yêu Con đã khởi xướng mô hình cô giáo mầm non đến nhà chăm sóc và dạy kỹ năng cho trẻ tại nhà theo nhu cầu theo mô hình 1:1. Đến đợt dịch lần thứ 4 này, trường phát triển ý tưởng về lớp học tại những “khu vực xanh”.

Dự án sẽ mở ra với giáo viên mầm non trên toàn thành phố Hà Nội. Theo đó, giáo viên và phụ huynh ở gần nhau nhất sẽ được kết nối. “Kể cả khi giãn cách thì rất nhiều bố mẹ các ngành nghề như bác sỹ, điều dưỡng, công an, nhà báo... vẫn phải đi làm mà không có ai trông con. Các cô giáo đã tiêm phòng đầy đủ và thực hiện nghiêm quy tắc “1 cung đường 2 điểm chạm” hoàn toàn có thể thay bố mẹ chăm sóc con cái họ. Thậm chí nếu gia đình phụ huynh trong cùng khu vực xanh có thể tạo nên một nhóm trẻ cùng học, cùng chơi.”, bà Vũ Thị Thúy, Hiệu trưởng mầm non Mẹ Yêu Con chia sẻ.

Trường hợp gia đình có 2 trẻ ở hai độ tuổi khác nhau, các giáo viên mầm non cũng được tập huấn để tổ chức các hoạt động chung như vui chơi, ăn uống, rèn luyện kỹ năng mềm... đồng thời hướng dẫn việc học tập theo từng độ tuổi với việc nhắc nhở giờ học trực tuyến, thái độ ngồi học hay làm bài tập về nhà. Các cô sẽ đóng vai trò “trợ lý giáo dục” và với chuyên môn sư phạm sẽ rất phù hợp với công việc này.

Đến thời điểm này, đã có hơn 200 giáo viên mầm non thuộc các quận huyện trên địa bàn Hà Nội đăng kí dự án để được tập huấn và sẵn sàng hỗ trợ các gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thúy, khó khăn để triển khai dự án nằm ở việc các giáo viên mầm non không trong nhóm được cấp giấy đi đường dù hầu hết đã được tiêm phòng từ 1 đến 2 mũi vaccine Covid-19.

Nguồn hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp đã phần nào giúp các giáo viên mầm non bước qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, một chính sách phù hợp, thận trọng trong tiến tới quá trình “sống chung với Covid” bằng việc cho phép lao động đã tiêm trở lại với công việc sẽ phát huy giá trị hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Mời các bạn nhấn nút nghe nội dung này: