Cho đến thời điểm này, các trường ĐH đều đã công bố điểm trúng tuyển ở tất cả các ngành đào tạo. Bức tranh tuyển sinh và điểm trúng tuyển ở nhiều phương thức xét tuyển cũng bộc lộ những “điểm trũng" bởi dù quyền tự chủ tuyển sinh thuộc về các trường và thí sinh có quyền lựa chọn phương thức xét tuyển nhưng vẫn có những bất cập cần điều chỉnh. VOV2 có cuộc phỏng vấn TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT về vấn đề này.

PV: Các trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển, ông đánh giá thế nào về các mức điểm trúng tuyển năm nay?

TS Lê Trường Tùng: Cuối ngày 17/8, các trường đại học lần lượt công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Khá nhiều trường công bố mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí lên đến 28-29 điểm, tức thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT trung bình 9 điểm một môn cũng không đậu.

Tuy nhiên, cũng không ít trường công bố điểm trúng tuyển vào một số ngành chỉ là 15-16, tức trung bình mỗi môn chỉ hơn 5 điểm một chút là trúng tuyển.

Và cũng như mọi năm, khá nhiều ý kiến tỏ ra hoang mang về việc nếu trung bình 9 điểm mà vẫn trượt, thì điều gì đang xảy ra với việc học hành, thi cử và xét tuyển vậy?

Cần hiểu vấn đề này một cách chính xác, rằng đây là điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT, cho một lượng chỉ tiêu không nhiều còn lại, và nhiều thí sinh có thể có điểm thi thấp hơn nhưng vẫn trúng tuyển vào trường bằng các phương thức xét tuyển khác, ví dụ như theo điểm thi đánh giá năng lực, theo điểm các chứng chỉ quốc tế, theo điểm học bạ...

Chỉ tiêu dành cho phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT mà ít, thậm chí rất ít, thì điểm trúng tuyển tất nhiên sẽ cao,thậm chí rất cao. Để làm rõ bức tranh tuyển sinh,các trường khi công bố điểm trúng tuyển theo phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì tốt nhất cũng công bố chỉ tiêu được dành cho phương thức này.

PV: Một điều dễ nhận thấy ở một số trường top trung mức điểm trúng tuyển năm nay cao hơn năm trước. Đây là “tín hiệu tốt" nếu thực sự các trường đó có sự đầu tư để “nâng hạng" nhưng mặt khác lại tiểm ẩn sự thiếu công bằng ở các phương thức xét tuyển. Quan điểm của ông thế nào ?

TS Lê Trường Tùng: Tính chất công bằng thể hiện qua việc thí sinh có thể đăng ký theo tất cả các phương thức, và với mỗi phương thức, thí sinh có kết quả tốt hơn sẽ có khả năng trúng tuyển cao hơn. Nguyên tắc tuyển sinh cũng đã được Bộ GD&ĐT quy định là các trường đại học được tự chủ, nhưng phải đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh. Việc các trường công bố điểm trúng tuyển cao không liên quan đến việc công bằng hay không. Cần hiểu là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức, và thí sinh nên xem đây là phương thức cuối cùng khi không trúng tuyển theo các phương thức khác.

Tính công bằng chỉ bị ảnh hưởng nếu trường đại học đưa ra phương thức không bình đẳng với mọi thí sinh, ví dụ như tổ chức thi đánh giá năng lực chỉ ở Hà Nội chẳng hạn - khi đó việc tham gia dự thi của các em xa Hà Nội sẽ khó khăn hơn trong việc đi lại so với các em ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội. Hoặc tuyển sinh theo điểm thi SAT - các em vùng sâu vùng xa thì thi SAT ở đâu? Các trường khi đưa ra một phương thức tuyển sinh cần xem phương thức đó có bình đẳng với tất cả thí sinh hay không, và Bộ cũng nên "thổi còi" khi các trường đưa ra phương thức có yếu tố không công bằng.

PV: Tự chủ ĐH trong đó có tự chủ tuyển sinh, tuy nhiên việc xét tuyển sớm đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông, chúng ta nên chọn giải pháp nào để công tác tuyển sinh đảm bảo chất lượng đồng thời vẫn đảm bảo cả tính khách quan và công bằng?

TS Lê Trường Tùng: Vấn đề ở đây là tuyến sinh theo nhiều phương thức, chứ không phải xét tuyển sớm hay xét tuyển muộn. Việc "sớm muộn" đã được Bộ GD&ĐT quản lý bằng quy định các trường không được cho thí sinh nhập học hoặc giữ chỗ nhập học sớm. Một số phương thức có đủ thông tin thì các trường thực hiện xử lý thông tin xét tuyển trước, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT có thông tin sau cùng, nên xét cuối cùng. Do một thí sinh có nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, nên Bộ đã quy định xét tuyển tập trung, lọc để loại bớt thí sinh ảo cho các trường theo quy tắc mỗi thí sinh trúng tuyển không quá một trường. Hiện chưa thấy có cách tổ chức tuyển sinh đại học hay hơn, ngoài việc có thể quy định các trường công bố kết quả là công bố danh sách trúng tuyển, không được phép chỉ công bố điểm chuẩn cao ngất ngưởng áp dụng cho một số ít thí sinh, gây hoang mang dư luận.

PV: Một số ngành đào tạo mới mở thu hút sự lựa chọn của thí sinh vói mức điểm đầu vào khá cao. Tuy nhiên để đánh giá hiệu quả của một chương trình đào tạo mới cần phải có thời gian và cụ thể phải nhìn vào tỉ lệ, số lượng sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành đào tạo đó. Các trường cần có sự thận trọng thế nào khi mở ngành mới thưa ông ?

TS Lê Trường Tùng: Khi mở một ngành mới, thực sự không chỉ các trường, mà cả thí sinh cũng đặt cược tương lai vào ngành này. Các trường cần xem xét thông tin đầy đủ về tương lai của ngành khi mở ngành mới, và có trách nhiệm với tương lai của thí sinh, thông qua nhiều việc, chẳng hạn gắn kết với doanh nghiệp, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với các thay đổi khoa học-kinh tế-xã hội, khi cần có thể phải đóng ngành và tạo điều kiện chuyển ngành, học bằng hai cho sinh viên. Các trường cũng nên xem xét mỗi một ngành ở trường mình định hướng là tinh hoa hay đại chúng, là nghiên cứu hay ứng dụng - để quyết định tuyển sinh theo hướng chọn lọc hay mở rộng đầu vào. Quản lý tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT cũng nên tính yếu tố tinh hoa đại chúng này.

PV: Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi theo chương trình Giáo dục Phổ thông mới. Theo ông, nên đổi mới cách xét tuyển ĐH thế nào?

TS Lê Trường Tùng: Năm học tới sẽ là năm tốt nghiệp phổ thông lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với điểm khác biệt quan trọng là từ 3 năm trước, khi vào lớp 10 thí sinh đã chọn môn học để học và thi, và có thể không theo các khối A, B, C truyền thống nữa. Mỗi trường đại học sẽ phải thay đổi cách tuyển sinh, cách thức xác định tổ hợp xét tuyển cho phù hợp, tuy nhiên cần công bố sớm ngay đầu năm học mới, để thí sinh chuẩn bị.

PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!