Theo đề án tuyển sinh, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) không xét tuyển thí sinh nữ có chiều cao dưới 1m58, nam dưới 1m65, có thể lực và thị giác tốt. Nếu có năng khiếu đặc biệt, trường sẽ xét riêng.
Tiêu chí này của trường gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí đặt ra như vậy, gây sự phân biệt đối xử với thí sinh, trong khi đây không phải là ngành đào tạo mang tính đặc thù.
Trước kiến nghị của một số cá nhân và phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về công tác xét tuyển đại học năm 2024 của Trường Quản trị và Kinh doanh, trong đó có một số tiêu chí và điều kiện xét đến đặc điểm cá nhân về chiều cao và thị lực, chiều 6/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn gửi ĐHQG Hà Nội đề nghị cơ sở đào tạo này khẩn trương chỉ đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nghiêm túc rà soát các tiêu chí và điều kiện xét tuyển của nhà trường trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024 theo quy định tại điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh của quy chế.
"Để bảo đảm công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển, nhà trường phải tuân thủ và bảo đảm không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém", công văn nêu rõ.
Hiện nay, chỉ các trường công an, quân đội mới đặt ra điều kiện về chiều cao. Trường quân đội tuyển thí sinh nam cao 1,65m trở lên, nữ 1,54m trở lên. Mức này ở các trường công an là 1m64 và 1m58. Hoặc một số trường hợp đặc thù như Học viện Báo chí và Tuyền truyền yêu cầu thí sinh ngành Quay phim cao 1,65m với nam và 1,60m với nữ; Đại học Sư phạm Hà Nội lấy nam 1m6, nữ 1m55 vào ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Năm học 2024-2025, trường Quản trị và Kinh doanh, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển 500 sinh viên cho 4 ngành ở bậc đại học, gồm Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ, Marketing và Truyền thông, Quản trị Nhân lực và Nhân tài, Quản trị và An ninh.
Điều 13, Luật Giáo dục nêu rõ quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau:
1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.