Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngày 29/11, môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc.

Cụ thể, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn; 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Tại cuộc họp báo công bố Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, không thể nói chỉ vì một kỳ thi mà làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học môn Ngoại ngữ.

"Môn Ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chú trọng. Ngay từ lớp 3 các em học sinh đã được học, đến bậc THCS và THPT đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá. Như vậy, trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, các em đều được học, lựa chọn môn Ngoại ngữ mà mình thích và định hướng", ông Chương chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT rất quan tâm và lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh và sinh viên. Do vậy không thể nói chỉ vì một kỳ thi này mà làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học. Quan điểm của Bộ GD-ĐT thì quá trình dạy học là xuyên suốt, xem các môn học là như nhau.

Thí sinh trượt tốt nghiệp 2024 vẫn có thể thi chương trình cũ

Trước lo lắng những thí sinh tham dự kỳ thi năm 2024 (thi theo chương trình cũ 2006) bị trượt tốt nghiệp liệu có gặp khó khăn nếu phải thi lại vào năm 2025 (thi theo chương trình mới 2018), ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết về nguyên tắc, học sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.

"Với những em trượt tốt nghiệp năm 2024, Bộ đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp riêng, đảm bảo đúng nội dung và phương thức theo chương trình mà các em học. Vì vậy, học sinh yên tâm không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018", ông Nguyễn Ngọc Hà giải đáp băn khoăn.

Cũng liên quan đến lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong mọi trường hợp đều đảm bảo quyền lợi chính đáng cho thí sinh. Do vậy, trong một kỳ thi hoàn toàn có thể tổ chức theo hai hình thức thi là thi theo chương trình 2018 và thi chương trình cũ 2006.

Một vấn đề khác được dư luận, truyền thông quan tâm đó là phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn liệu có đáp ứng được nguyện vọng của thí sinh muốn thi nhiều môn hơn để rộng cửa xét tuyển đại học? Liệu có thể chọn thi nhiều hơn 4 môn hay không?

Về điều đề này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, về nguyên tắc tổ chức thi thì hiện nay chưa cho thực hiện điều ấy (lựa chọn thi hơn 4 môn). Nếu cho phép thí sinh thi nhiều hơn 4 môn sẽ xảy ra trùng lặp. Bên cạnh đó, việc thi nhiều môn cũng dẫn đến việc ôn luyện, thi cử thêm tốn kém.

"Việc các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển một ngành bằng nhiều tổ hợp khác nhau cũng không đảm bảo công bằng", ông Hà nói.

Trắc nghiệm môn Toán sẽ có thêm định dạng mới

Trước câu hỏi của phóng viên về việc hình thức thi trắc nghiệm (đặc biệt là môn Toán) ảnh hưởng nhiều đến tư duy học Toán của học sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thi theo hình thức nào (trắc nghiệm hay tự luận) đều có mặt hạn chế. Tuy nhiên, đối với phương pháp thi trắc nghiệm môn Toán, qua các kỳ thi ngày càng nhận được sự đồng thuận của xã hội, chuyên gia, nhà toán học. Thậm chí, có những chuyên gia từng rất phản đối thi trắc nghiệm môn Toán nhưng nay đã ủng hộ hình thức thi này.

"Sẽ có giải pháp về kỹ thuật xây dựng đề thi môn Toán để giảm mặt hạn chế. Còn đối với tình trạng dạy và giải đề Toán bằng mẹo thì Bộ sẽ chỉ đạo các Sở GD-ĐT có những biện pháp khắc phục", ông Thưởng cho biết.

Nói thêm về thi trắc nghiệm môn Toán, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Bộ đang có những thử nghiệm mới về định dạng câu hỏi đề thi. Cụ thể, nếu thử nghiệm thành công, đạt hiệu quả, thêm định dạng mới về câu hỏi trắc nghiệm môn Toán sẽ mở rộng không gian tư duy của học sinh.

Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.