Tại Hội nghị Giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 9/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có những chỉ đạo quan trọng về công tác xét tuyển đại học.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.
"Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Theo ông, các đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.
"Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết, năm nay số học sinh bước vào tiểu học là 1,9 triệu em, số học sinh bình quân mỗi khối lớp (từ lớp 2 đến lớp 11) là khoảng 1,63 triệu em, khẳng định nguồn tuyển sinh dành cho các trường đại học sẽ ngày càng phong phú. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh các trường đại học có thể yên tâm về nguồn tuyển, điều quan trọng là việc đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tự chủ đại học phải đi vào chiều sâu thực chất
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong giai đoạn mới việc tự chủ đại học phải có chiều sâu về chất lượng.
“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Đồng thời với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trong thời điểm sắp tới, để đẩy mạnh tự chủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường hoàn thiện văn bản quy chế nội bộ.
“Vừa qua, thông qua một số kiểm tra của các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT cho thấy, nhiều đơn vị ban hành quy chế nội bộ, văn bản điều hành nội bộ còn có những văn bản trái với quy định.
Thời điểm này, Chính phủ, Quốc hội đang dồn toàn lực để tạo đột phá về mặt thể chế, điều chỉnh các bộ luật rất nhiều và nhanh. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần cập nhật đưa vào quy định nội bộ để không trái, không mâu thuẫn và thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xem việc ban hành quy chế nội bộ có phù hợp không, có trái luật không, hoạt động của các hội đồng trường phối hợp với các bộ phận có phù hợp không…
Các trường cũng lưu ý cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới để trình các Bộ chủ quản phê duyệt; tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan”, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.