Chiều 15/8, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ, chia sẻ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD-ĐT, kết nối với hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.

Trước buổi gặp gỡ, chia sẻ, theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã nhận được hơn 200 ý kiến, trong đó có 144 ý kiến của giảng viên.

Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc triển khai tự chủ hiện nay ở các trường đại học đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cố gắng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của các nhà trường.

Liên quan đến việc tạm dừng tăng học phí sinh viên đại học, ông Ân nói, các ý kiến bày tỏ trách nhiệm xã hội của các trường đại học, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Tuy nhiên, việc không tăng học phí nhưng vẫn tăng lương cơ bản theo lộ trình, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay, trong tương quan chung với khối ngoài công lập, với các trường cùng khối ngành trong khu vực và trên thế giới... đã làm cho các trường gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Ngọc Ân, có nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.

10-15 triệu đồng nghiên cứu khoa học trong một năm là quá ít?

Trực tiếp chia sẻ tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng, TS. Đinh Minh Hằng, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng vấn đề về liêm chính học thuật, đạo đức nhà giáo luôn là chủ đề nóng trong cộng đồng những người làm khoa học.

"Đối với Trường ĐHSP Hà Nội mặc dù rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, trao đổi vấn đề về liêm chính học thuật, đạo đức khoa học đối với giảng viên, sinh viên, học viên nhưng liêm chính học thuật vẫn là vấn đề lớn trong quá trình đào tạo, nghiên cứu", TS. Đinh Minh Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, hiện nay kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học hiện nay còn quá khiếm tốn. Đơn cử như trường ĐHSP Hà Nội có 636 giảng viên (424 TS, 128 GS, PGS) kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học chỉ 6-8 tỷ đồng/năm (thuộc top 5 các trường đại học được Bộ GD-ĐT đầu tư về khoa học công nghệ).

Như vậy trung bình mỗi giảng viên chỉ được 10-15 triệu/năm để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và mức kinh phí này chưa phải là lớn, chưa thu hút được giảng viên trong quá trình nghiên cứu.

"Đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các nhà trường còn nhỏ lẻ. Nên chăng có những hoạt động nghiên cứu khoa học được đầu tư theo hình thức Bộ đặt hàng cho các nhà khoa học để giải quyết một vấn đề của ngành hoặc của xã hội và tùy thuộc vào năng lực của các nhà khoa học", TS. Đinh Minh Hằng đề xuất.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ, trao đổi với Bộ trưởng GD-ĐT, PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Đại học Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng kiến nghị cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường đại học thông qua cơ chế của nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học. Đồng thời, cần có kinh phí hỗ trợ khoa học công nghệ, đặc biệt là với các giảng viên trẻ giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc số ít các trường đại học được giao tự chủ toàn diện và được đánh giá là mô hình thành công.

Tuy nhiên theo bà Huyền quá trình tự chủ toàn diện của trường còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó xã hội vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tự chủ đại học. Dư luận hiểu về tự chủ đại học còn thiên về tự chủ tài chính, ít nghĩ tới các khía cạnh khác như tự chủ về học thuật, quản lý…

“Nhiều Trường đại học nghĩ rằng tự chủ là tự lo, nhà nước không quan tâm đầu tư, không quản lý. Còn xã hội, gia đình và người học lại cho rằng, tự chủ gắn liền với việc học phí sẽ tăng và chất lượng không đảm bảo. Chính vì tư duy này khiến nhiều trường ngại tự chủ, người học cũng ngại theo học tại các trường tự chủ", bà Huyền nói.

Từ thực tế này, PGS.TS Phạm Thị Huyền kiến nghị Bộ GD-ĐT chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Trong đó cần nhấn mạnh tự chủ là tăng quyền cho các nhà trường, các trường được chủ động các hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, bà Huyền cũng đề nghị Bộ GD-ĐT và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới.

"Tự chủ đại học không phải thích làm gì thì làm"

Trao đổi với các giảng viên đến từ các Trường đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109 quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.

Riêng đối với vấn đề kinh phí nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho rằng, kinh phí từ ngân sách nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Bên cạnh chi phí từ nhà nước còn nhiều nguồn khác như nguồn thu từ tự chủ của trường Đại học, chương trình hợp tác, đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương...

"Ngay kinh phí nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT cũng đang gặp khó khăn", ông Sơn nói.

Trước đề xuất Bộ GD-ĐT cần thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học được đại diện trường ĐHSP Hà Nội nêu, ông Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, liên quan đến giáo dục hoặc liên quan đến quản lý ngành. Do vậy, các trường cần hướng đến các đối tượng khác để thúc đẩy hợp tác, đặt hàng nghiên cứu. Những nơi có tiền và cần sử dụng các sản phẩm nghiên cứu...

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

"Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp và còn phải tháo gỡ. Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn. Làm được mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tự chủ đại học đã được triển khai gần 30 năm qua với với sự ra đời của hai ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh với những quyền tự chủ đầu tiên. 10 năm trở lại đây, tự chủ đại học thực sự được mở rộng tới nhiều trường đại học.

Trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay đang có sự xung đột, chồng chéo, chưa đồng bộ với các bộ luật khác, của các cơ quan Bộ, ngành khác khiến cho quyền tự chủ của giáo dục Đại học rất khó thực hiện một cách đầy đủ.

Trước bất cập này, theo ông Sơn cần có quá trình điều chỉnh. Hiện, chúng ta đang điều chỉnh Nghị định 99 và dự kiến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GD-ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34; từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ Đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục Đại học hơn.

Một khó khăn khác của tự chủ đại học là việc hiểu về tự chủ. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; Có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm. Cả hai cách hiểu này đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.

"Trong tất cả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và của Bộ GD-ĐT đều khẳng định, tự chủ không phải là tự túc và tự chủ không phải là phó thác cho việc tự lo liệu về mặt kinh phí. Tự chủ đối với giáo dục vẫn là cần phải được đầu tư. Nhưng đó là đầu tư như thế nào lúc? Lúc nào đầu tư? Đầu tư theo cách gì vẫn còn đang là một câu chuyện mà chúng ta tiếp tục phải kiến nghị, điều chỉnh chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.