Thầy giáo – thầy thuốc là phải học tập cả đời
Hài hước trên bục giảng nhưng lại rất nghiêm nghị ở bệnh phòng đó là nhận xét của sinh viên Y khoa về PGS.TS Trần Danh Cường - Trưởng bộ môn Phụ sản trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương.
Năm 1991, khi vừa tốt nghiệp nội trú, PGS.TS Trần Danh Cường được nhận về làm giảng viên bộ môn. 8 năm giảng dạy không biên chế, nhắc lại thời điểm đó, ông chỉ gói gém trong 1 chữ “nghèo”. Nghèo đến mức sợ Tết vì Tết không có đồng nào gửi về gia đình. Vậy mà ông vẫn lắc đầu trước lời mời gọi của nhiều công ty tư nhân để làm thầy.
40 năm gắn bó với nghề y cũng là 40 năm gắn bó với bục giảng, thầy Cường “sản” liên tiếp được sinh viên Y4 và Y6 bình chọn là thầy giáo được yêu thích nhất. Ông nói bí quyết được lòng sinh viên chỉ đơn thuần là sự giản dị của một ông thầy.
“Mỗi một bài giảng là một thử thách, mỗi lần lên lớp không lần nào giống lần nào, mình suy nghĩ cải tiến bài giảng thế nào. Trong lúc dạy học cũng không nên quá căng thẳng vì kiến thức y học rất mênh mông, khô khan, bệnh học thay đổi liên tục nên truyền thụ kiến thức cơ bản để các em hiểu làm được việc là quan trọng. Có lẽ sinh viên thích tôi vì hài hước, thường lấy hoàn cảnh thực tế xã hội đưa vào bài giảng cho đỡ nhàm chán, buồn ngủ, để bài giảng hay nhất”.
“Khi tôi dạy học, tôi trong vai trò thầy truyền cảm hứng cho các em hứng thú với nghề, với sự học hành. Còn với thầy thuốc, tôi đóng vai trò người chữa bệnh dồn hết tâm sức và sinh lực, dùng phương pháp, phương tiện tốt nhất, kiến thức tích lũy được dùng để cứu bệnh nhân. Người thầy trên bục giảng và người thầy thuốc theo PGS.TS Trần Danh Cường chỉ khác nhau ở vị trí là giảng đường và bệnh còn sự nhiệt huyết thì như nhau.
Chia sẻ với các bác sĩ đang chật vật bám trụ với nghề, PGS.TS Trần Danh Cường cho rằng, nghề Y là nghề vất vả, đối diện với sự vất vả thì sẽ có cách hay để chữa bệnh tốt nhất, khám bệnh tốt nhất, cứu được nhiều người nhất và cũng là để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất.
“Đối với mỗi bác sĩ, chúng tôi coi mình là một học sinh cần học suốt đời, học đến khi nào không còn tham gia hành nghề nữa, còn hành nghề thì phải học. Đồng thời, mỗi một thầy thuốc phải là một thầy giáo truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau, cho cơ sở khác và tuyến dưới và cho các đồng nghiệp trẻ”.
Giáo viên huấn luyện đội tuyển – một học trò tụt lại phía sau thì cô còn buồn hơn trò
Hơn nửa đời người cống hiến cho ngành giáo dục và đến lúc về hưu, NGƯT Nguyễn Thị Thanh Hải, cựu giáo viên Tiếng Nga, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương vẫn miệt mài với sự nghiệp đào tạo các thế hệ học sinh giỏi tiếng Nga.
Tiếng Nga là ngôn ngữ khó học nhưng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) lại là ngôi trường giàu thành tích với nhiều học sinh xuất sắc đạt các giải cao trong các kỳ thi HSG tiếng Nga cấp quốc gia. Trong 18 lần phụ trách chính đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn tiếng Nga, cô Hải có 54 học sinh đoạt giải. Đặc biệt, năm 2007, dưới sự huấn luyện của cô Thanh Hải, 6/6 em được giải Nhất HSG quốc gia. Cho đến khi nghỉ hưu, cô Hải vẫn giúp xây thêm bảng thành tích tiếng Nga của trường với 3 năm liền có HS đoạt giải nhất quốc gia. Năm học vừa qua, có 9/10 học sinh đoạt giải quốc gia. Trong đó có 5 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải khuyến khích.
Năm 2010, cô Thanh Hải được Cục Hợp tác Liên bang Nga tại Việt Nam tặng danh hiệu “Giáo viên tiếng Nga xuất sắc nhất” vì hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp trong sự nghiệp giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam.
Cô Hải từng 2 lần đến Nga học tập, lần đầu tiên khi còn là sinh viên và lần thứ 2 là nghiên cứu sinh của Trường Puskin. Mặc dù cơ hội ở lại một đất nước phát triển hơn rộng mở song cũng như những thanh niên Việt Nam thời đó, ra đi là phải có trách nhiệm trở về dựng xây đất nước. Thời gian dài gắn bó với nước Nga, hiểu văn hóa Nga giúp cô Hải có nhiều bí quyết để bồi đắp tình yêu tiếng Nga với các thế hệ học trò:
“Tôi yêu nghề, yêu tiếng Nga nên muốn dạy cho các con bằng cả trái tim và tâm hồn. Mình vận dụng kiến thức tiếng Nga, văn hóa Nga để truyền đạt cho các con. Ví dụ những giai điệu bài hát Nga, thành ngữ, bộ phim Nga vì nước Nga vĩ đại có văn hóa phong phú. Tôi có mình vận dụng cái đó để truyền lửa để các con thích học, vì tiếng Nga học ngữ pháp và để nói hơi khó.
Nhiều năm huấn luyện đội tuyển, học trò đạt thành tích cao vui là chuyện đương nhiên, nhưng nếu chỉ một thành viên bị tụt lại phía sau cả đội, cô Hải còn áp lực hơn cả học trò, lo các em sẽ buồn.
“Là giáo viên huấn luyện đội tuyển, áp lực nhiều. Dạy mà học trò không hứng thú, không có kết quả thì cảm thấy buồn nên mình luôn cố gắng nỗ lực để bản thân luôn làm tốt hơn. Có năm học sinh chỉ được giải khuyến khích, năm đó liệt giường liệt chiếu 1 tháng, còn học sinh giải nhất thì cũng không ngủ được mấy ngày vì nó gây cho mình hưng phấn nhiều quá”, cô Hải tâm sự.
Giáo viên gen Z là người bạn đồng hành của học trò
Cũng là giáo viên huấn luyện đội tuyển ngoại ngữ nhưng khác với thế hệ cô Nguyễn Thị Thanh Hải, cô Ngô Hồng Út Chiêu (27 tuổi) - giáo viên Trường THPT Quách Văn Phẩm, Cà Mau lại là đại diện cho một thế hệ giáo viên gen Z đầy năng động. Với nhiều thành tích trong các phong trào giáo dục và huấn luyện đội tuyển HSG quốc gia môn tiếng Anh, cô Út Chiêu là một trong 400 giáo viên tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.
Cô Út Chiêu chia sẻ, trong thời đại số hóa, học trò ngày nay có điều kiện tự học và tìm hiểu thế giới dễ dàng hơn. Đó là áp lực không nhỏ để giáo viên đổi mới mình.
“Học sinh thời nay có cơ hội tiếp cận văn hóa thế giới nhiều hơn, gia nhập văn hóa nhiều hơn, việc học tiếng Anh cũng thay đổi, không giống xưa học ngữ pháp, các em giờ nghiêng về học giao tiếp, thậm chí tiếp cận các lĩnh vực văn hóa nhiều hơn”.
Cô Út Chiêu cho rằng dạy học trò thời nào cũng có áp lực những khi yêu nghề rồi thì áp lực biến thành động lực. Giáo viên ngoại ngữ ngày nay không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người hướng dẫn học trò tự học, tự phát triển bản thân.
“Khi dạy mình luôn đặt tiêu chí tìm tòi, sáng tạo lên hàng đầu, tìm phương pháp phù hợp để học sinh tiếp thu hiệu quả”, cô Út Chiêu cho biết, mình thường dạy học theo dự án và cho học sinh tự làm việc nhóm và thuyết trình. Đồng thời, tiếp cận với các ứng dụng miễn phí nước ngoài. “Ví dụ một số nền tảng để các em học từ vựng, luyện khả năng giao tiếp và hướng dẫn học sinh một vài app trên điện thoại di động để các em tự luyện nhiều hơn”.
Mỗi thế hệ học trò lại có những suy nghĩ, cách tiếp cận kiến thức khác nhau nhưng người thầy dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào, bằng sự tận tâm, yêu nghề đều tìm ra những cách thức khác nhau để trở thành bạn đồng hành, truyền cảm hứng trên con đường chinh phục tri thức của các em học sinh./.