Tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nước đã xác lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất là đẩy mạnh là hợp tác số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trong Giáo dục - Đào tạo.

Hoa kỳ đã cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, ghi nhận tiềm năng của Việt Nam để trở thành một trong những quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch. Hai bên nhất trí hợp tác để nâng cao vị trí trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp vi điện tử bán dẫn. Dự kiến sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nước ta. Điều đó cho thấy tiềm năng cho nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Cần 20.000 nhân sự lĩnh vực chip bán dẫn trong 5 năm tới

Dẫn số liệu dự báo từ các chuyên gia kinh tế, từ ĐH Fulbright, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong 5 năm tới dự báo nhu cầu cho nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn khoảng 20.000 nhân sự. 10 năm tới con số này có thể lên tới 50.000 nhân sự trình độ từ ĐH trở lên.

Theo thống kê hiện nay cho thấy, nhân lực thiết kế vi mạch chuyên môn hóa mới có khoảng 5000 người. Theo các trường ĐH công nghệ kỹ thuật, nhu cầu đào tạo trong những năm tới khoảng 3000 người/ năm. Số tốt nghiệp sau ĐH tại các trường ĐH kỹ thuật dự báo ít nhất phải chiếm 30%.

Xét về năng lực hiện tại, theo bà Thủy những năm qua chúng ta đã có chính sách truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở rộng, đào tạo STEM.

Cụ thể giai đoạn 2019-2022, những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, phục vụ công nghiệp 4.0 như AI, Big data... số sinh viên ĐH tuyển mới trong lĩnh vực STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn mức trung bình chung (6.5%). Trong đó 3 lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình cao hơn cả, có máy tính và công nghệ thông tin (hơn 17%), công nghệ kỹ thuật (10.6%). Điều đó cho thấy, người học bắt đầu có sự định hướng, thí sinh giỏi tìm đến các lĩnh vực này nhiều hơn.

Bà Thủy đánh giá, các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam đã tương đối sẵn sàng cho đào tạo. Theo đó, những ngành phù hợp, ngành gần phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực chip bán dẫn gồm có:

Nhân lực về nghiên cứu phát triển, sản xuất vật liệu bán dẫn gồm các ngành đào tạo như hóa học, vật lý, vật liệu...

Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch gồm các ngành điện tử, điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử... Đây là những lĩnh vực phù hợp và gần với lĩnh vực chip bán dẫn và có thể làm việc luôn.

Việc đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn, hiện có ít nhất 3 hướng khả thi và triển khai được ngay. Đó là: Tuyển mới; Chuyển đổi 1 - 2 năm cuối đối với những sinh viên đang học ngành gần và đào tạo bổ sung cho các kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần.

Bà Thủy phân tích, việc đào tạo và tuyển mới từ đầu chưa chắc hiệu quả nhất. “Tuyển mới từ đầu không hiệu quả bằng việc sinh viên học ngành gần chuyển đổi học chuyên sâu. Những ngành gần có thể học chuyển đổi, học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối giúp 1-2 năm chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào. Hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp đi làm, có kinh nghiệm thực tiễn ở các ngành gần chỉ cần học bổ sung khóa học đào tạo ngắn hạn 1- 6 tháng có thể đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn vi mạch, nhất là những người có tay nghề, có kinh nghiệm làm việc”.

Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng sinh viên ĐH tuyển mới hay tốt nghiệp ngành phù hợp có thể làm luôn như điện tử viễn thông, vi điện tử dự kiến có thể tuyển mới khoảng 6.000 em/năm. Tốt nghiệp khoảng 5.000 em/năm, trung bình gia tăng 7-8% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Với những ngành gần như điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính... số lượng tuyển mới có thể lên 15.000/năm, tốt nghiệp khoảng 13.000/năm và tốc độ tăng trung bình 10%/năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, tổng 2 lực lượng này có thể đáp ứng được nhu cầu mới. Tuy nhiên, vụ trưởng Vụ Giáo dục GDĐH cho rằng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và đầu tư thích đáng để thu hút người học.

Thách thức trong thu hút thí sinh giỏi

“Thị trường lao động trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch gần đây đang “nóng”nhưng vẫn ở dạng tiềm năng và thách thức lớn nhất là thu hút sinh viên giỏi, đặc biệt đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ thì nhân lực phải tốt”.

Phân tích về nhu cầu và năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD-ĐT đề xuất 3 nhóm chính sách lớn để phát triển ngành này.

Đầu tiên là nhóm chính sách hỗ trợ khuyến khích người học về mặt cơ chế. Bộ GD-ĐT có thể đưa ra những cơ chế “mở” đặc thù cho những ngành này nhưng để khuyến khích người học và nâng cao chất lượng tuyển sinh cần phải có chính sách học bổng, tín dụng, ưu đãi, miễn giảm học phí cho sinh viên giỏi... Đặc biệt là chính sách thu hút người học ĐH tiếp tục học lên thạc sỹ, tiến sĩ.

Nhóm thứ 2 là chính sách hỗ trợ và đầu tư đột phá để tăng cường năng lực. Trong đó, năng lực đào tạo và nghiên cứu phối hợp, bổ trợ cho nhau. Trước hết là nâng cao năng lực của giảng viên, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường. Đầu tư cho trang thiết bị thí nghiệm, công cụ phần mềm thực hành, các phòng thí nghiệm mô phỏng.

Nhóm thứ 3 là khuyến khích thúc đầy hợp tác mối quan hệ đa phương, đa chiều giữa Trường ĐH – Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp. Những chính sách đột phá này sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo. Còn nếu chỉ dựa vào năng lực hiện tại, hệ thống sẽ không đủ đáp ứng cho 10 năm tới.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng 2 đề án trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay. Đó là: Đề án Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao và Đề án xây dựng một số Trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án đào tạo đội ngũ kỹ sư và chuyên gia về chíp bán dẫn. Trong đó, bộ GD-ĐT phối hợp và đề xuất cơ chế chính sách liên quan tăng cường năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổng thể để ngay trong tháng 10 có thể trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn và vi mạch./.