Các hình thức vi phạm liêm chính khoa học ngày càng tinh vi

TS Dương Tú, Đại học Purdue, Mỹ cho rằng, bản chất của nghiên cứu khoa học là sáng tạo tri thức mới, khám phá quy luật trong tự nhiên và đóng góp phụng sự xã hội. Ban đầu do số lượng công trình còn ít nên việc nên việc đánh giá được thực hiện trực tiếp từng công trình. Sau này hoạt động nghiên cứu phong phú, số lượng công trình nhiều nên phải thông qua các chỉ số trung gian, chỉ số trích dẫn, chỉ số H, xếp hạng.

Tuy nhiên, các công cụ đánh giá này dễ bị thao túng đề vụ lợi cá nhân. Từ công cụ phục vụ cho việc đánh giá, nghiên cứu trở thành mục đích, chạy theo khung, chỉ số số bài báo, chỉ số trích dẫn, chỉ số H... chứ không đi theo mục đích ban đầu của nghiên cứu khoa học, làm nảy sinh nhiều chuyện sai trái.

Từ kinh nghiệm cá nhân, TS. Dương Tú nhận thấy, hình thức vi phạm liêm chính ngày càng tinh vi. “Chuyện đạo văn, bịa số liệu, chỉnh sửa số liệu là cổ điển từ mấy chục năm. Nhưng, sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nhiều công cụ mới thì sinh ra nhiều hình thức gian lận mới, từ trích dẫn, lập mạng lưới, những hệ thống câu kết với nhau từ tác giả, từ chuyên gia bình duyệt, tổng biên tập đến biên tập viên các tạp chí, họ thích đăng cái gì cũng được, thậm chí thành một hệ thống. Tôi gọi đấy là “Mafia” với nhau. Nếu không ý thức được sự tồn tại của những tổ chức này thì không chống được”, ông Dương Tú nói.

Theo TS. Đại học Purdue, với những người cố tình gian lận, cấu kết với nhau thành những mạng lưới lớn, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì có thể lũng đoạn hệ thống khoa học Việt Nam, gây lãng phí tiền của của nhân dân, nguồn lực nhà nước. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào khoa học.

Để thúc đẩy liêm chính khoa học ở Việt Nam, TS. Dương Tú cho rằng cần thúc đẩy đào tạo phổ biến kiến thức liêm chính khoa học, xây dựng hệ thống liêm chính khoa học phát triển, phân công trách nhiệm rõ ràng từ trên xuống dưới.

Đồng thời, có cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà khoa học. TS Dương Tú mong muốn sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách phụ trách liêm chính khoa học. “Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước nhận được nhiều phản ánh, tố cáo vào những đợt xét vì quanh năm họ không biết tố cáo ở đâu thành ra nếu có một văn phòng chuyên trách phụ trách giải quyết vấn đề liêm chính quanh năm thì áp lực vào Hội đồng giáo sư nhà nước, áp lực vào một số cơ quan cụ thể giảm đi”.

Ông Tú còn đề xuất cải cách đánh giá nghiên cứu, không chạy theo các chỉ số trắc lượng như: số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, chỉ số H, chỉ số xếp hạng...chú trọng chất lượng thay vì số lượng.

Ngoài ra phải có chính sách đảm bảo đời sống cho nhà khoa học để họ không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính để lấy “miếng cơm manh áo”, duy trì cuộc sống hằng ngày. Những năm qua, trên thế giới đã có nhiều cải cách đánh giá nghiên cứu. Chẳng hạn, tuyên bố DORA năm 2012 khuyến cáo không sử dụng chỉ số IF (Impact Factors) trong đánh giá nghiên cứu nữa. Tháng 7/ 2022, Châu Âu có văn bản về cải cách đánh giá nghiên cứu tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, sử dụng các chỉ số trắc lượng có trách nhiệm. Các nước Châu Phi cũng có bộ phận chuyên trách liêm chính, thậm chí thành lập mạng lưới liêm chính nghiên cứu châu Phi. Hiện nay, Châu Á chưa có mạng lưới này nên TS. Dương Tú cho rằng, Việt Nam có thể liên hệ với các nước khác hoặc đóng vai trò kết hợp lại để thành lập mạng lưới liêm chính châu Á nhằm trao đổi các vấn đề liên quan vì “liêm chính thay đổi phức tạp, thường xuyên, không cập nhật thì sẽ lạc hậu ngay”.

Cuối cùng, “các nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về liêm chính, sự trung thực, tạo cảm hứng cho xã hội”, TS. Dương Tú nói.

Tránh lợi dụng liêm chính để làm tổn thương nhà khoa học

Nhắc đến câu chuyện liêm chính khoa học, TS. Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) kể: “năm 2006 khi làm tiến sĩ ở phương tây, sau 3 tháng làm việc, thầy hướng dẫn của tôi tròn mắt, đỏ mặt nói “you” đến từ hành tinh nào vì tôi không được học bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học”.

Sau 15 năm làm cầu nối giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội làm nghiên cứu khoa với nước ngoài thì học trò của TS. Hùng vẫn đối mặt câu chuyện này. Từ đó, ông mong đợi các trường ĐH sẽ đẩy mạnh hơn nữa môn phương pháp nghiên cứu khoa học. “Bản thân tôi dạy cao học về phương pháp nghiên cứu khoa học nhưng số tiết rất ít, có những hạn chế nhất định”.

TS. Nguyễn Xuân Hùng mong muốn có bộ quy tắc về liêm chính khoa học. Từ bộ quy tắc này chiếu về các trường, tùy hoàn cảnh mà từng trường sẽ xây dựng bộ quy tắc riêng. Việc thực hiện quy tắc này sẽ được giám sát và có hậu kiểm, có chế tài xử lý nếu vi phạm.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội khẳng định, liêm chính là một trong tứ đức (cần, kiệm, liêm, chính) của con người, là giá trị cốt lõi của đạo đức và văn hóa, là giá trị nền tảng làm nên sự trường tồn và phát triển của quốc gia. Ông cho rằng, đấu tranh để giữ gìn liêm chính là vô cùng quan trọng, nhưng phải lành mạnh để thực sự là động lực cho sự phát triển. Tránh việc lợi dụng liêm chính để hạ bệ, làm tổn thương nhau các nhà khoa học.

Theo GS. Nguyễn Đình Đức, văn hóa chống đạo văn ở các nước khác đã thực hiện trong năm tháng phổ thông thể hiện qua viết bài luận rất nghiêm túc. Trong khi đó ở ta mới thuở “hồng hoang” về liêm chính. Ông mong cơ quan nhà nước sẽ chỉ đạo để các trường có trách nhiệm, có công cụ kiểm soát, tạo ra sự lành mạnh trong khoa học vì liêm chính chính là bản quyền trong khoa học.

Đã đến lúc cơ quan nhà nước phải vào cuộc...

Lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề xuất thời gian tới, 2 bộ Khoa học&Công nghệ và Bộ Giáo dục&Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn giúp các đơn vị, viện nghiên cứu, trường ĐH, cơ sở đào tạo... thực hiện.

“Chúng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện việc xây dựng và thực hiện các quy chế về liêm chính nghiên cứu và giảng dạy ở cơ sở giáo dục ĐH, việc này có thể làm ngay”.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT cùng với Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu; nghiên cứu xem tiêu chí giám sát các tạp chí, phát triển tạp chí nên theo hướng nào, cố gắng dùng hai tiêu chí, một là các tạp chí quốc tế nhưng phối hợp chặt chẽ với tạp chí trong nước và có tiêu chí đánh giá về góc độ đóng góp của đề tài nghiên cứu khoa học cho sự phát triển đất nước, kinh tế xã hội nước nhà.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, các ý kiến tại Hội thảo này sẽ được cố gắng lồng ghép trong quá trình thay luật Khoa học Công nghệ vào năm 2025. Đồng thời, yêu cầu Quỹ phát triển Khoa học công nghệ nghiên cứu hình thức hỗ trợ cho các nghiên cứu để làm sao phát triển đồng đều, đảm bảo liêm chính, tránh một số vấn đề nảy sinh, hạn chế tối đa tiêu cực, nâng cao liêm chính trong nghiên cứu. Ngoài ra, cố gắng để nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa ở các diễn đàn khoa học các ngành trên thế giới, thậm chí tiến tới cố gắng đẩy mạnh hội nhập quốc tế để các nhà khoa học Việt Nam chủ động tham gia, chủ trì và là lãnh đạo các diễn đàn khác nhau ở quốc tế, khu vực. Đây mới là mục tiêu mà ngành khoa học nước nhà phấn đấu tới.

Ông Thái cũng nhấn mạnh cần ứng xử với liêm chính khoa học một cách văn hóa. Bởi chúng ta đang ứng xử với các thầy cô giáo, các nhà khoa học là những người cần được tôn trọng.

“Hai bộ (Khoa học &Công nghệ và Giáo dục&Đào tạo) nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước 2 bộ phải vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính trong nghiên cứu và công bố, cố gắng tạo ra môi trường Khoa học công nghệ, Giáo dục lành mạnh”, Thứ trưởng Phạm Hồng Thái khẳng định./.