Cụ thể, 9 địa phương hoàn toàn tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 29/11 có 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy qua truyền hình. Các địa phương này phần lớn là các tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung.

Thống kê cụ thể của Bộ GD&ĐT thì hiện cả nước có 407/713 thành phố, quận, huyện, thị xã của các tỉnh, thành phố tổ chức học trực tuyến.

Tỷ lệ kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, truyền hình có sự khác nhau giữa các địa phương. Ví dụ như tỉnh như Phú Thọ hiện chỉ có TP. Việt Trì, huyện Phù Ninh tổ chức dạy học trực tuyến, còn lại các huyện khác học sinh đều đến trường học trực tiếp.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng có TP. Đà Lạt; tỉnh Sơn La có huyện Sông Mã; tỉnh Bắc Ninh có các huyện Quế Võ; Gia Bình, Thuận Thành tổ chức dạy học trực tuyến… Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai… hầu hết các quận/huyện/thành phố học sinh học trực tuyến.

Đặc biệt, hiện 20 tỉnh, thành phố hoàn toàn tổ chức cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình. Ngoài Hà Nam, Hưng Yên, tất cả các địa phương này đều ở khu vực phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại TP. Hà Nội, hiện học sinh khối lớp 9 của 18 huyện, thị xã học trực tiếp. Trao đổi với báo chí ngày 29/11, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương đưa học sinh THPT trở lại trường.

Cụ thể, theo ông Dũng, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học; trước mắt, thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng. Thời gian thực hiện là từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ thứ Hai ngày 6/12.