Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư số 30/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT).
Thông tư được xây dựng nhằm bảo đảm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên THCS, THPT hiện hành và các quy định về thi, kiểm tra đánh giá có liên quan.
Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm 3 môn thi
Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thông tư quy định việc tuyển sinh có thể được triển khai theo 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh nào thuộc thẩm quyền của địa phương.
Nếu tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Thông tư quy định thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở GD-ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Bài thi thứ 3 cũng có thể là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD-ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
Theo quy định, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hàng năm.
Về thời gian làm bài thi, Thông tư quy định: môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.
Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển
Đối với tuyển sinh THCS, ngoài đối tượng học sinh tiểu học, Thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Về phương thức tuyển sinh, Thông tư quy định, việc tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Việc đăng ký tuyển sinh THCS được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng ký tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GDĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Thông tư; lấy ý kiến của gần 9.000 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh/thành phố.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận góp ý của các Sở GD-ĐT, các trường học, chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Trên cơ sở các góp ý, Thông tư đã được hoàn thiện với tinh thần đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi và chính thức ban hành.
Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư số 30 về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) được xây dựng theo 3 nguyên tắc cốt lõi:
Thứ nhất, không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội; với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT.
Thứ hai, có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô; xây dựng được những quy định thống nhất trong toàn quốc; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, các địa phương, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu.