Chứng chỉ VSTEP là chứng chỉ tiếng Anh được các trường đại học Việt Nam cấp dưới sự ủy quyền của Bộ GD&ĐT theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23 ngày 29 tháng 9 năm 2017 ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Một vài điểm mới của dự thảo thông tư:

-Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải có đủ 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.Các tiêu chuẩn, tiêu chí được được chốt tại thời điểm ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31/1 của năm sau liền kề năm báo cáo.

-5 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị, cơ sở vật chất, phần mềm tổ chức thi, trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi, đề thi, ngân hàng câu hỏi thi.

- Riêng về ngân hàng câu hỏi thi, Bộ GD-ĐT quy định: Đề thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng; theo đúng cấu trúc định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT ban hành và được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; trong cùng một đợt thi, mỗi thí sinh một mã đề.

-Giữa 2 lần thi liên tiếp, nội dung phần đọc và nghe không trùng nhau quá 25%; phần thi nói và phần viết không trùng nhau.Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình hướng dẫn kèm theo Thông tư và phải bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi để tạo ra tối thiểu 70 đề thi. Các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm.

-Ngân hàng đề thi mỗi năm bổ sung tối thiểu 10% đề thi so với quy định tối thiểu về đề thi. Các đơn vị tổ chức thi có thể dùng chung ngân hàng câu hỏi thi, đề thi để tổ chức thi.

Các trường được tổ chức thi nói gì về thay đổi khi tổ chức thi VSTEP?

Năm 2024, có 34 trường đại học trên cả nước, phân bố ở cả 3 miền được phép tổ chức thi chứng chỉ này. Đến thời điểm này, đã trải qua 4 năm trực tiếp tổ chức thi VSTEP, ông Nguyễn Tiến Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng trường đại học Quy Nhơn cho rằng những điểm mới của thông tư thực ra nhằm để nâng cao chất lượng chứng chỉ và không gây khó cho đơn vị tổ chức. Ví dụ như ngay khi thí sinh đăng nhập thiết bị để thực hiện việc làm bài thi đã có thể chụp ảnh thí sinh nhằm tránh việc thi hộ. Hệ thống camera giám sát đã lắp đặt từ trước có thể ghi lại toàn bộ trong quá trình làm bài của thí sinh trong từng phòng thi.

Việc liên kết với các đơn vị khác đáp ứng đủ điều kiện để tổ chức thi nhằm mở rộng địa điểm tổ chức thi, tạo thuận lợi cho thí sinh, trường đại học Quy Nhơn đến nay chưa thực hiện, một phần bởi nhu cầu thi chứng chỉ của thí sinh nhà trường vẫn đảm bảo được, các đợt thi cũng khá đều đặn và thuận lợi. Phần khác ở lượng thí sinh đăng kí thi chứng chỉ chưa nhiều. Đối tượng dự thi chứng chỉ VSTEP đến thời điểm này tập trung vào một số nhóm:

“Ở Quy Nhơn, sinh viên đại học ngành sư phạm Anh năm cuối phải đạt bậc 5, sinh viên đại học các ngành khác đạt bậc 3, thạc sĩ phải đạt bậc 4. Ngoài ra còn các trường hợp để nộp hồ sơ thi viên chức, công chức cũng cần thi đạt chứng chỉ này để đảm bảo điều kiện”, ông Phùng cho biết.

Chi phí phù hợp, rẻ hơn rất nhiều so với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là lợi thế của VSTEP. Tuy nhiên, ít được các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh, chứng chỉ này đang lép vế trước sự đổ bộ ồ ạt của các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC... Mùa tuyển sinh năm trước, cả nước đã có khoảng hơn 10 cơ sở giáo dục đại học sử dụng VSTEP làm căn cứ tuyển sinh.

Trường đại học Sư Phạm Hà Nội, đơn vị uy tín trong việc tổ chức các kì thi đánh giá cũng trực tiếp tổ chức thi chứng chỉ VSTEP từ 2019. Những điểm mới trong dự thảo PGS.TS Dương Giáng Thiên Hương, Giám đốc trung tâm Đảm bảo chất lượng, trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định đều hướng tới nâng cao chất lượng của chứng chỉ này, đồng thời nhà trường hoàn toàn có khả năng đáp ứng trên cơ sở trang thiết bị cơ sở vật chất sẵn có. Nhà trường cũng chưa có bất kỳ liên kết với đơn vị nào khác để tổ chức thi VSTEP.

Các chuyên gia nói gì về câu chuyện chỗ đứng của chứng chỉ nội?

Khi được hỏi về quan điểm, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm khẳng định dự thảo này có nhiều điểm mới, cải tiến hơn so với Thông tư 23 cũ năm 2017 và thông tư 24 sửa đổi năm 2021 vẫn đang hiện hành ở 3 điểm.

Thứ nhất, dự thảo góp phần tăng sự phân quyền cho các đơn vị khảo thí, giúp các đơn vị chủ động giảm được chi phí thi chứng chỉ, làm nhẹ bớt gánh nặng kinh tế cho phụ huynh, xã hội. Đặc biệt khi chúng ta so với đà tăng của chi phí học, thi các chứng chỉ quốc tế khác.

Thứ hai sẽ tạo điều kiện để mở rộng quy mô, tăng độ phủ của chứng chỉ khi trao quyền nhiều hơn, từ đây dẫn tới sự linh hoạt trong mở rộng thi trường. Và từ đây làm tăng uy tín về chất lượng qua kiểm soát chặt các vấn đề tiêu cực như thi hộ, làm hộ.

Điều theo thầy Tâm cần lưu tâm trong bối cảnh hiện nay nằm ở nhóm học sinh bắt buộc cần chứng chỉ quốc tế để phục vụ mục đích du học, làm việc chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số học sinh học trong nước. Với định hướng đưa ngôn ngữ Anh thành ngôn ngữ thứ hai, yêu cầu đặt ra tất yếu khảo thí đánh giá năng lực ngôn ngữ phải được triển khai lớn hơn, ví dụ ở quy mô toàn bộ học sinh ở Việt Nam. Do vậy, vai trò của các chứng chỉ nội địa sẽ phổ cập nhanh việc khảo thí chuẩn hoá năng lực ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng trên diện rộng. Lợi ích lớn nhất khi triển khai nội bộ chính ở nguồn dữ liệu quốc gia mà không phải phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế.

“Tôi đánh giá cao việc dự thảo mới trao quyền tự chủ nhiều hơn, song song với việc nhấn mạnh công tác hậu kiểm”, thầy Tâm nhấn mạnh.

Điểm yếu cố hữu với các chứng chỉ nội bộ của Việt Nam theo thầy Huy Tâm tập trung ở 3 vấn đề:

Trước tiên ở nguồn Nhân lực, bao gồm quy chuẩn cho nhân lực, nguồn nhân lực để chấm, đánh giá kỹ năng ngôn ngữ, đặc biệt kỹ năng nói trong khi chúng ta không phải người bản ngữ

Vấn đề thứ hai thuộc về yếu tố công nghệ, chuyển đổi số chưa đồng bộ. Điều này thể hiện ở hệ thống quản lý người thi, điểm số, tính bảo mật, công khai minh bạch của cả hệ thống,

Và vấn đề rất quan trọng thuộc về chỉ số tin cậy, chất lượng, uy tín của chứng chỉ. Việc dự thảo mới yêu cầu chặt chẽ hơn về định danh và kiểm soát người thi qua các thông tin chứng thực được xem như điểm quan trọng để chứng chỉ nội địa của Việt Nam vượt qua các rào cản "niềm tin" của các đơn vị công nhận chứng chỉ.

Với VSTEP, chứng chỉ đầu tiên mà Việt Nam nội địa hoá theo định hướng chuẩn quốc tế. Tuy nhiên một thực trạng đang buồn khi chứng chỉ này chưa được phổ biến rộng khi chưa sánh được với các kỳ thi quốc tế về chất lượng. Xét về ngân hàng đề, công nghệ lõi hỗ trợ, quản lý và trải nghiệm thi thì VSTEP đều đang đi sau các kỳ thi như IELTS, TOEFL. Thứ hai, VSTEP có ít các đơn vị đủ năng lực điều kiện và nhu cầu triển khai, việc này dẫn đến thực trạng là VSTEP không tiếp cận được các vùng khách hàng phù hợp, buộc phải cạnh tranh trực tiếp với khu vực khách hàng của IELTS, TOEFL. Tiếp đến, chứng chỉ nội vẫn chưa được ghi nhận, công nhận, chấp nhận bởi ngay cả nhiều trường, các tổ chức trong nước, và vấn đề này làm giảm giá trị sử dụng thực tế, cộng thêm tâm lý người thi muốn một chứng chỉ có giá trị xã hội cao hơn, việc VSTEP không phổ biến thành hệ quả tất nhiên.

Thầy Tâm nêu một ví dụ. Tỉnh Hà Tĩnh có chính sách cho học sinh đạt điểm IELTS quy đổi giải học sinh giỏi tỉnh, truyền thông rất quan tâm, nhưng lại không đề cập đến VSTEP. Việc này khiến nhiều học sinh không cần du học cũng thi IELTS để được hưởng chính sách nhà nước, và bỏ qua các kỳ thi khác.

Trên thực tế, các chứng chỉ quốc tế đã được khẳng định về độ uy tín, tin cậy và giá trị xuyên quốc gia, do vậy việc các chứng chỉ này được ưa chuộng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc Việt Nam tạo nên chứng chỉ "nội" theo chuyên gia Ngô Huy Tâm được coi như nỗ lực tự chủ trong khảo thí, đánh giá, phân tích dữ liệu quốc gia. Vậy, chứng chỉ nội cần hướng tới việc phát triển linh hoạt, dễ phổ cập.

“Lợi thế của chúng ta, người đi sau là có thể đứng trên vai những người khổng lồ quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm để nâng cao chất lượng cho chứng chỉ nội địa, chúng ta có thể làm chủ công nghệ, quy trình của thế giới”, thầy Tâm phân tích.


Điều này nói lên rằng, các kỳ thi nội địa cũng cần phải song hành với chính sách quản lý nhà nước để thực sự trở công cụ đo lường năng lực cấp quốc gia.

Các đơn vị cung cấp chứng chỉ nội địa có trách nhiệm cũng cần chủ động tìm đối tượng phù hợp cho mình, song song liên kết để tạo mỗi quan hệ hữu cơ về việc công nhận chứng chỉ với các tổ chức trong và ngoài nước.

Từ thực tế tổ chức thi cũng như nhìn nhận chất lượng đề thi, thí sinh tham dự, bà Hương khẳng định chất lượng của chứng chỉ này đang ngày một đáng tin cậy, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của chứng chỉ VSTEP lại là hành trình dài

“Tôi nghĩ vị thế của chứng chỉ VSTEP sẽ được nâng lên khi quốc tế công nhận chứng chỉ này. Từ đó các trường có thêm động lực mở rộng phạm vi cũng như cải tiện tổ chức thi nhiều hơn”, bà Thiên Hương phân tích.

Cùng với những điểm mới trong dự thảo thông tư mới về quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam, bà Thiên Hương có một vài góp ý nhằm chứng chỉ ngoại ngữ nội với những ưu điểm, lợi thế riêng có thể tìm được chỗ đứng và được nhiều thí sinh lựa chọn hơn.

Thứ nhất cần hạn chế những “cồng kềnh” trong các khâu tổ chức các kỳ thi, đặc biệt những nội dung báo cáo rườm rà, hành chính. Tiếp theo việc cho phép liên kết tổ chức thi ở nhiều địa điểm nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh cần chi tiết, cụ thể hơn. Đặc biệt những quy định về tra cứu thông tin gồm căn cước công dân, ảnh chụp, chứng chỉ…cần có quy chế đảm bảo tính bảo mật nhằm giúp thí sinh bảo mật thông tin, tránh kẻ gian sử dụng cho mục đích xấu.

Trong lộ trình để được ghi nhận, công nhận ở trên trường quốc tế, chất lượng (tính nhất quán, vẹn toàn, bảo mật, công bằng, chính xác..) của một kỳ thi, chứng chỉ là yếu tố then chốt để đi ra biển lớn. Thầy Huy Tâm khẳng định, sức mạnh của thời đại ngày nay thuộc về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, công nghệ AI có thể giúp Việt Nam vượt qua một số rào cản vốn thuộc về nhóm rào cản truyền thống. Như vấn đề Nhân lực. Việc chấm chữa bài, đặc biệt là kỹ năng nói vốn yêu cầu nguồn nhân lực tinh hoa về ngôn ngữ, có thể được hệ thống AI triển khai chấm, giúp tăng năng suất và giảm chi phí, vượt qua rào cản hạn chế chất lượng,

Như vậy, có thể thấy giải quyết được vấn đề công nghệ, chuyển đổi số, là yếu tố cốt lõi thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiểm tra, đánh giá, khảo thí.

Công nghệ thời đại giúp chúng ta có cơ hội lớn để giải quyết những vướng mắc kỹ thuật điển hình như quy mô ngân hàng đề thi, thuật toán phân phối câu hỏi không trùng lặp, thiết lập các định dạng thi thông minh theo xu hướng thế giới, các kỳ thi phân hoá cao, các kỳ thi có tính phân loại chính xác, các kỳ thi thích ứng v..v. Bài học của Việt Nam về tự lực tự cường, song song với việc sử dụng sức mạnh thời đại vẫn có ý nghĩa sâu sắc trong vấn đề này.

Không ít người đặt kỳ vọng với những điểm mới này sẽ tạo ra đột phá để có thể góp phần đưa chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam - VSTEP dần được các nước trong khu vực và quốc tế công nhận. Và để làm được điều này, cùng với cải thiện, nâng cao chất lượng đề thi, thực hiện chặt chẽ các quy trình tổ chức trông thi, chấm thi và công nhận kết quả, chính các đơn vị được giao chức năng tổ chức thi VSTEP cũng cần có những nghiên cứu, đưa chứng chỉ này trở thành tiêu chí xét hoặc quy đổi trong quá trình tuyển sinh đại học. Từ đó làm cơ sở cho các trường đại học khác đặt niềm tin trong việc sử dụng trong tuyển đầu vào, chấp nhận cho đầu ra các bậc đào tạo khác nhau.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: