Cô giáo biến tiết học Công nghệ thành tiết học được chờ đợi

Mở điện thoại cá nhân, thao tác rất nhanh, cô giáo Trang Thó Phe, giáo viên ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai ngay lập tức biến những kiến thức của bộ môn Công nghệ trở nên dễ hiểu nhờ ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR).

“Toàn bộ phần bài giảng về động cơ đốt trong giảng trong 3 tiết bình thường rất khó hiểu với học sinh dân tộc. Khi chưa có công nghệ thực tế ảo, tôi phải vẽ sơ đồ bên trong, treo lên trong giờ giảng. Giải thích rất lâu may ra các em mới hiểu lờ mờ. Còn đây, các thiết bị đang ở trong dạng khối hoàn chỉnh chỉ cần nhấn nút sẽ bóc tách thành các chi tiết cực kỳ cụ thể, rõ ràng và dễ hình dung”, cô Thó Phe giải thích.

Môn học công nghệ ở nhiều trường phổ thông bị coi như môn học phụ. Ở vùng khó khăn, vùng sâu xa, học sinh chỉ cần đến trường, biết đọc biết viết, biết tính toán đã là quý, ít ai ngờ đến những thứ xa xôi, cao siêu như công nghệ lại được một cô giáo người Hà Nhì dẫn dắt đầy hấp dẫn và dễ hiểu đến vậy.

Khi mới chuyển nhận công tác tại trường THCS&THPT huyện Bát Xát, hành trình của cô giáo Trang Thó Phe bắt đầu bằng việc vượt núi băng đèo, đến từng nhà vận động học sinh đến lớp giống như rất nhiều giáo viên vùng cao khác.

“Đến giờ nghĩ lại cũng không hiểu mình lấy đâu ra quyết tâm, nhiệt huyết khi cứ một mình rong ruổi khắp các cung đường, đến từng nhà học sinh. Có cái điện thoại cũ cũng đưa luôn cho một em để ở trường có thể liên lạc nhắc em đi học. Hồi ấy chỉ nghĩ tương lai nó sẽ tốt đẹp hơn”, cô Thó Phe nhớ lại.

Và rồi cô giáo người Hà Nhì đã nhận được những trái ngọt khi lứa học sinh đầu tiên ra trường, tỏa đi muôn nơi vẫn nhớ về cô giáo cũ. Chúng gửi cho cô giáo những bức thư viết tay. “Em rất nhớ những ngày cô đội áo mưa đến nhà đưa em đến lớp. Giờ em đã trưởng thành. Em rất nhớ và biết ơn cô”. Những dòng thư khiến cô giáo trẻ xúc động bật khóc.

Học sinh và phụ huynh đã có những thay đổi nhất định trong nhận thức về giá trị của tri thức, của học tập với tương lai. Theo thời gian, phần lớn các em đã tự nguyện và chăm chỉ đến trường. Giáo viên như cô Thó Phe bắt đầu có thời gian để đầu tư vào giờ dạy.

Môn học Công nghệ cô Thó Phe phụ trách với những phần dạy chuyên sâu về máy móc, động cơ hoàn toàn trông chờ vào những sơ đồ, bản vẽ tay. Thiếu thốn vật chất được các thầy cô bù đắp bằng khả năng sáng tạo, ứng dụng những thiết bị cá nhân trong giảng dạy. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi rất khó để khiến học sinh hình dung cũng như ứng dụng trong thực tế với những thiết bị, máy móc lao động của gia đình...

Cho đến khi tỉnh Lào Cai có chương trình học và ứng dụng công nghệ thực tế ảo do UNICEF tài trợ, cô Thó Phe cùng một số giáo viên khác trong trường THCS-THPT huyện Bát Xát tham gia khóa học tập huấn. 20 chiếc máy tính bảng cùng kính thực tế ảo đã khiến các giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn có thể ứng dụng cho các môn học khoa học tự nhiên, công nghệ. Cô Thó Phe cùng các giáo viên khai thác triệt để những tính năng, ứng dụng của công nghệ vào từng giờ giảng.

“Có thiết bị hiện đại, học sinh háo hức đón chờ giờ học. Nhưng nếu chỉ giao máy tính bảng và kính cho các em, việc nhận thức của học sinh sẽ rất nhanh nhưng vì nhanh sẽ không sâu và không thể nhớ lâu được. Người giáo viên cần tiết chế việc sử dụng thiết bị vừa đủ, kết hợp bài giảng để các em vừa hiểu, vừa nhớ được bài.” Cô Thó Phe chia sẻ kinh nghiệm dạy học bằng công nghệ giáo dục hiện đại.

Những dự định tương lai

Trước ngày đại diện giáo viên toàn tỉnh Lào Cai về Hà Nội dự cuộc gặp mặt “Chia sẻ cùng thầy cô” của Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức, cô giáo Thó Phe nhận quyết định chuyển công tác về trường THPT số 1 Bát Xát. Công việc giảng dạy ứng dụng công nghệ vừa thiết lập và vận hành ở trường cũ sẽ tạm dừng khi trường mới chưa có thiết bị cũng như ứng dụng. Nhưng theo cô Thó Phe, trong lúc chờ đợi có thêm thiết bị về trường, giáo viên hoàn toàn có thể sáng tạo để đưa ứng dụng thực tế ảo vào những giờ dạy bằng việc cài phần mềm cho máy tính hoặc tải app cho điện thoại.

Không có kính thực tế ảo, học sinh sẽ không thể xem hình động. Nhưng theo cô Thó Phe, với học sinh cấp THPT không nhất thiết hấp dẫn học sinh bằng hình động. Toàn bộ những hình ảnh sắc nét, tháo lắp chi tiết linh hoạt và cực kì dễ để học sinh hình dung hoàn toàn có thể tận dụng đưa vào giờ giảng.

“Tôi may mắn được dự lớp học và nhận thiết bị công nghệ thực tế ảo EON-XR của UNICEF để ứng dụng vào giảng dạy. Nhưng tôi mong sẽ có thêm những khóa học để các giáo viên hiểu cặn kẽ hơn về công nghệ giáo dục hiện đại này. Để việc ứng dụng không chỉ dừng ở việc sử dụng những bài dạy có sẵn mà giáo viên có thể tạo giáo án riêng cho giờ giảng. Từ đó tạo nên kho học liệu chung cho giáo viên", cô Thó Phe nêu mong muốn.

Giáo dục vùng sâu xa còn vô vàn khó khăn nhưng những giáo viên như cô Trang Thó Phe gieo niềm hi vọng về sự thay đổi. Bởi với giáo viên yêu nghề, tâm huyết thì dù khó khăn về thiết bị, đường truyền, vẫn có cách để ngay cả những môn học tưởng rất phụ như Công nghệ bỗng hấp dẫn và mang giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn. Công nghệ, nhờ sự nỗ lực của các thầy cô sẽ đáp ứng được kỳ vọng là xóa đi khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền.