Những chiếc camera lắp tại các lớp học mầm non và được chia sẻ trực tuyến tới phụ huynh từng phát hiện trường hợp giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Cũng từ những chiếc camera mà nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra tại một số nhà trẻ, trường mầm non được đưa ra ánh sáng.

Nhưng khi những chiếc camera được chia sẻ trực tuyến tới phụ huynh, nó giống như một chiếc ống nhòm mà hàng trăm ánh mắt phụ huynh hàng ngày theo dõi giáo viên, học sinh. Bất kỳ một hành động nào không phù hợp của giáo viên cũng sẽ được phụ huynh gọi điện nhắc nhở ngay lập tức.

Việc phụ huynh soi từng hành động của giáo viên và liên tục nhắc nhở, phản ánh với nhà trường vô tình gây áp lực cho giáo viên và khiến không ít cô giáo cảm thấy e dè, không dám mạnh dạn rèn nề nếp cho những em bé nghịch ngợm.

Trao đổi với P/V VOV2 (Đài TNVN), bà Trịnh Thị Minh Hiền - Hiệu trường trường mầm non năng khiếu Louis (Hà Nội) cho biết, hiện trường có lắp camera tại các lớp học nhưng không kết nối chia sẻ trực tuyến tới phụ huynh.

Việc lắp đặt camera theo bà Hiền là nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát các hoạt động giáo dục, kịp thời nhắc nhở, hỗ trợ giáo viên khi cần thiết; Truy xuất lại các hình ảnh camera khi có sự cố xảy ra và đáp ứng nguyện vọng của một số phụ huynh có con mới đi học mong muốn được quan sát các hoạt động, sự thích nghi của con ở lớp, giúp họ giảm bớt sự lo lắng, sốt ruột những ngày đầu.

“Tuy nhiên nếu muốn xem camera để thấy các hoạt động dạy và học của con thì phụ huynh phải đến trường để xem. Tại đây, chúng tôi có một phòng riêng để phụ huynh có thể theo dõi chứ không kết nối trực tuyến”, bà Hiền nói.

Bà Trịnh Thị Minh Hiền- Hiệu trường trường mầm non năng khiếu Louis

Lý giải vì sao nhà trường không cài đặt chế độ theo dõi camera trực tuyến tới phụ huynh, bà Hiền cho biết là nhằm bảo vệ quyền riêng tư của trẻ và giáo viên. Bên cạnh đó, dù có một số phụ huynh mong muốn theo dõi camera trực tuyến để giám sát việc học của con nhưng cũng có nhiều phụ huynh không có nhu cầu theo dõi và đặc biệt họ không muốn hình ảnh của con em mình được chia sẻ, được phát tán ra bên ngoài. Trách nhiệm của nhà trường là phải bảo vệ hình ảnh của giáo viên, học sinh.

Đối với trẻ mầm non, bà Trịnh Thị Minh Hiền cho rằng theo dõi hoạt động học của con qua camera là một nhu cầu của phụ huynh. Đặc biệt những ngày đầu tiên khi trẻ đến lớp, camera có thể giúp bố mẹ yên tâm hơn, bớt lo lắng, bớt nhớ con hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng bố mẹ đừng xem camera với tâm thái “canh chừng” hay “soi lỗi” các cô. Vì thực tế chúng ta không thể canh chừng hay theo dõi suốt hành trình con học tập ở trường được.

Riêng đối với giáo viên, bà Trịnh Thị Minh Hiền cho rằng, việc chia sẻ camera trực tuyến tới phụ huynh ít nhiều tạo ra những áp lực vô hình. Giáo viên có cảm giác đang bị soi, không được tin tưởng, không được tôn trọng, và không cảm thấy thoải mái nếu hình ảnh của mình được quay lại và chia sẻ (vì thực tế sẽ có những phụ huynh ghi lại các hình ảnh hoạt động của con ở trường để chia sẻ cho bạn bè người thân…).

Bà Hiền cũng thừa nhận việc trường không có dịch vụ camera kết nối trực tuyến ít nhiều mất đi một lượng khách hàng là những phụ huynh đặt tiêu chí “phải có camera” lên hàng đầu.

"Có nhiều phụ huynh khi đến trường đăng ký học cho con câu hỏi đầu tiên họ hỏi là trường có camera trực tuyến hay không sau đó mới hỏi đến trường dạy như thế nào, học cái gì? Nhiều phụ huynh băn khoăn nếu không có camera kết nối trực tuyến thì họ phải làm cách nào để giám sát? Khi nhà trường chia sẻ quan điểm giáo dục, cách thức quản lý… phụ huynh sẽ yên tâm, tin tưởng”, bà Hiền nói.

Để ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ theo bà Hiền phải bắt đầu từ con người chứ không phải từ chiếc camera. Bởi vì camera cũng sẽ có những góc khuất. Khi giáo viên hiểu được sứ mệnh người thầy của mình, hiểu được ý nghĩa nhân văn to lớn của công việc, làm việc bằng tất cả tình yêu thương thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

“Để có được điều đó người giáo viên rất cần sự tin tưởng, đồng hành, dẫn dắt, đào tạo và truyền cảm hứng từ người quản lý. Họ cũng cần được nhìn nhận thiện chí từ phụ huynh, nếu cha mẹ trao họ một niềm tin đủ lớn, nhìn họ bằng ánh mắt thiện chí thì điều này sẽ khích lệ họ biểu đạt tình yêu và sự thiện chí hơn. Phụ huynh không nên tin tưởng vào giáo viên một cách mù quáng nhưng cũng không nên yêu cầu hà khắc với giáo viên. Bởi giáo viên cũng là người bình thường, trong quá trình dạy dỗ có thể xuất hiện một số vấn đề nhỏ”, Bà Trịnh Thị Minh Hiền chia sẻ.

Bấm nghe chương trình tại đây: