Học và tốt nghiệp học khóa Master of Arts tại Brighton University, Vương quốc Anh, chuyên ngành thiết kế chương trình dạy ngoại ngữ bằng media năm 1991, thầy Nguyễn Quốc Hùng đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong việc dạy tiếng Anh trên Truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam. Danh xưng thầy Quốc Hùng M.A cũng có từ đó.

Làm giảng viên tiếng Anh chính thức tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội suốt 35 năm, không chỉ góp cho đất nước những thế hệ học viên, sinh viên ở nhiều lĩnh vực trọng yếu, thầy Quốc Hùng đã tạo nên kho học liệu đồ sộ gồm 600 bài phát trên truyền hình, trên 500 bài dạy trên Đài tiếng nói Việt Nam cùng hơn 100 bộ sách phục vụ công tác giảng dạy lẫn học tập tiếng Anh. Có những đầu sách được coi như nền tảng lý luận cho việc giảng dạy môn học này ở một quốc gia tiếng Anh không phải ngôn ngữ thứ hai và lại trải qua nhiều biến thiên lịch sử với sự du nhập của nhiều ngôn ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Nga....như: Dạy tiếng Anh: Xu hướng mới: Xu hướng mới dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non và tiểu học: Kỹ thuật dạy tiếng Anh cho học sinh trung học; Kỹ thuật dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học.....

Gần đây nhất, năm 2020, ở vào tuổi 80, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã in cuốn sách mới nhất của thầy Quốc Hùng tựa đề: “Con đường và gặp gỡ”. Ký, tự truyện, phóng sự, tản văn, lý luận..., thực ra rất khó để cắt đặt thể loại cho cuốn sách này khi ở mỗi chương, mỗi tiêu mục, độc giả thấy thấp thoáng, đan xen những loại hình văn chương rất khác nhau.

Tuy nhiên, luôn có một logic cực kỳ mạch lạc và cũng hấp dẫn giống như những bài học thầy Quốc Hùng đem đến cho cả triệu học viên qua các phương tiện nghe nhìn suốt 25 năm qua truyền hình và radio, để ai đọc “Con đường và gặp gỡ” đều có thể nhận diện chính xác. Điều này ngay trong lời bạt đã được thầy chỉ rõ: “Sự gặp gỡ nói chung giúp chúng ta hai bình diện: quyết định được con đường sự nghiệp và phát triển nó... Tuy nhiên, không con đường nào là không có ngã ba, nơi hiển hiện những thách thức làm ta phải lựa chọn, hoặc chấp nhận hoặc từ bỏ....”

Bài viết “Vào đời” mở đầu cuốn sách đậm chất tự sự trữ tình khi cho độc giả cơ hội trở lại thời chàng trai Quốc Hùng ở độ tuổi mười tám đôi mươi, đẹp nhất cuộc đời. Và đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề hướng nghiệp đầy mông lung, thử sai đầy lãng mạn với hành trình về vùng núi Cao Bằng dạy học. Ở vùng đất hữu tình ấy đã nảy sinh những rung cảm tình yêu trong sáng, đồng thời cũng đặt ra thử thách lựa chọn: Ở lại hay đi tiếp? Đi tiếp thì đi đâu? Đi như thế nào? Bất kỳ độc giả nào cũng đều bị cuốn hút từ câu chuyện của tác giả để cảm nhận một chặng đường thanh xuân của cá nhân mình. Sai- đúng hoàn toàn đã được quyết định từ thời điểm ra quyết định và bước theo con đường mình đã lựa chọn.

Gần 200 trang sách “Con đường và Gặp gỡ”, độc giả lần lượt bước qua những quãng đường với những ngã ba khác nhau của cuộc đời thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên tiếng Anh nổi tiếng nhất Việt Nam. Cuộc gặp gỡ với những người thầy như Phạm Duy Trọng ở đại học Sư phạm để vỡ ra những tài tình, biến tấu đầy hấp dẫn của Anh ngữ đã đặt lựa chọn đầu tiên cho hành trình chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hùng theo đuổi cả cuộc đời: Dạy học. Nói theo cách của Mark Van Doren (1894-1972): “Nghệ thuật dạy học là nghệ thuật giúp con người tự khám phá”. Để từ đó hành trình tiếp tục sáng rõ với những người thầy tiếp theo Nadkrni ở Ấn Độ, Brian Hill và Geoff Pullen ở Anh Quốc.

Thực tế khi ra trường cùng những khoảng thời gian học hỏi, tiếp cận nhiều nguồn đã chính thức đưa thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng bước và hai “ đại lộ”: Ngôn ngữ học và dịch thuật. Để rồi ở đó bằng tư duy, sáng tạo cá nhân, thầy Quốc Hùng mở ra những phương pháp học ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh bằng media chưa từng có tại Việt Nam. Những câu chuyện dẫn dắt duyên dáng nhờ bằng chính những câu Tiếng Anh được sử dụng linh hoạt trong nhiều tình huống, đâu đó rất gần với khẩu ngữ, ca dao của Việt Nam, hoàn toàn không cứng nhắc trong những công thức ngữ pháp chỉ dùng trong thi cử.

Bài viết: “Đi cùng năm tháng” khép lại cuốn sách “Con đường và Gặp gỡ” lại trở về đúng mạch tự truyện mở đầu, thâu tóm lại toàn bộ hành trình lựa chọn và kiên định con đường của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, người luôn khiêm nhường tự xưng: “thầy giáo làng”.

Cuốn sách dành hẳn 3 phụ lục để ghi chú các trích dẫn, thuật ngữ và những tác phẩm được nhắc đến phần nào cho thấy một tư duy minh triết, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và đáng kính của người được nhiều thế hệ tôn vinh: Thầy giáo hàng đầu của Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng các thầy cô giáo, độc giả cuốn sách với những câu chuyện cá nhân thú vị của một người thầy đáng kính đồng thời là những kinh nghiệm thiết thực với hành trình chinh phục tiếng Anh, ngôn ngữ toàn cầu.