Sự kiện còn có sự phối hợp với Nhóm chủ nhiệm Báo cáo giám sát Giáo dục toàn cầu tại trụ sở UNESCO và Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam, trong đó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện những nghiên cứu điển hình nhằm đóng góp cho báo cáo khu vực.
“Đại dịch Covid -19 đã thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ giáo dục, làm nổi bật những lợi ích mà công nghệ mang lại cùng với những hạn chế và thách thức của nó. Và thách thức quan trọng nằm ở việc làm sao giải quyết khoảng cách số trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Dù công nghệ chứng minh tính hữu ích trong việc đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kì đại dịch nhưng cách thức công nghệ tác động tới giáo dục ở nhiều khía cạnh khác cũng cần được tìm hiểu thêm”, ông Jonathan Baker phân tích.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam khẳng định công nghệ không chỉ mở ra những cánh cửa mới, mang lại cơ hội to lớn nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp người học vượt qua khoảng cách về địa lí, kinh tế xã hội và ngôn ngữ. Giai đoạn đối mặt với Covid-19, công nghệ đã giúp duy trì việc dạy và học trong điều kiện học sinh không đến trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi trọng công nghệ như yếu tố then chốt để phát triển giáo dục. Từ những chính sách quốc gia toàn diện nhất đến những đề án cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc.
Về chính sách, Thủ tướng chính phủ đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025 đến 2030 bằng Quyết định 749. Ngành giáo dục đã được phê duyệt đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trong Quyết định 131 của Thủ tướng chính phủ.
Công nghệ giáo dục của Việt Nam thuộc lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình tăng 20%/năm trong giai đoạn 2019-2023, rơi vào top 10 thị trường nhanh nhất toàn cầu. Việt Nam có nhiều nỗ lực đưa công nghệ giáo dục vào dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho người học, Thứ trưởng cho biết.
Theo nghiên cứu của các báo cáo, Đông Nam Á đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc áp dục công nghệ số với khoảng 400 triệu người dùng Internet trong khu vực. Chỉ riêng năm 2020, có 40 triệu người truy cập mạng Internet lần đầu. Việc này đã được xác định góp phần chuyển đổi giáo dục và đáp ứng mong muốn phát triển của khu vực. Ví dụ như dựa vào công nghệ có thể thực hiện việc phụ đạo và kiểm tra cá nhân, tổ chức hệ thống quản lý học tập, học tập ngôn ngữ và phát triển kỹ năng.
Nhưng cùng với tốc độ triển khai công nghệ mới nhất, báo cáo lần này cũng đề nghị các nhà hoạch định chính sách xem xét những thách thức mà công nghệ tác động trở lại như công bằng và hòa nhập, chất lượng và hiệu quả.
“Công nghệ được xem như một trong nhiều công cụ tiềm năng có thể được triển khai để cải thiện kết quả giáo dục. Song đồng thời từ đây cũng có thể làm trầm trọng thêm các thách thức”, TS Anna D’Addio, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, Trưởng nhóm chuyên đề của báo cáo trong phần chia sẻ trực tuyến nêu ý kiến.
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức sự kiện cũng chia sẻ đã thực hiện nghiên cứu: “Thực trạng công nghệ giáo dục ở Việt Nam”. GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng đã trình bày những nội dung bao gồm: Công nghệ trong bình đẳng và tiếp cận giáo dục; Công nghệ trong giáo dục phổ thông và đại học; Công nghệ trong quản lý giáo dục; Công nghệ trong nâng cao năng lực giáo viên; Thực trạng sử dụng công nghệ và kỹ năng số.
Ở phần kết luận, GS.TS Lê Anh Vinh nhắc lại 5 điểm lớn trong vấn đề công nghệ giáo dục ở Việt Nam.
Khoảng cách số vẫn còn tồn tại làm nên cản trở lớn trong tiếp cận và bình đẳng giáo dục giữa các khu vực. Ở đây cần sự quan tâm đúng, đủ nhằm xóa đi khoảng cách này cần những chính sách ở tầm vĩ mô.
Thứ hai, công nghệ được áp dụng rộng rãi trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học ở Việt Nam, trong quản lý, trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá, bao trùm hầu hết mọi mặt của giáo dục.
Công nghệ đã được chú trọng trong quản lí giáo dục với hành lang pháp lý cụ thể với chiến lược chuyển đổi số quốc gia từ hệ thống thông tin toàn ngành, tích hợp nguồn dữ liệu...
Công nghệ được tích hợp trong công tác tập huấn giáo viên một cách hiệu quả và sẽ được coi như giải pháp trong nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên.
Năng lực số đã được chú trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia và lồng ghép với chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những năng lực đặc thù rõ ràng.
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng khung năng lực về trí tuệ nhân tạo cho học sinh Việt Nam để từ đó có những nội dung tích hợp vào chương trình giảng dạy.
Ở phần hai của sự kiện công bố báo cáo khu vực Đông Nam Á 2023 về “Công nghệ trong giáo dục: công cụ dành cho đối tượng nào?”, 6 chuyên gia gồm TS Manos Antoninis, chủ nhiệm báo cáo; TS Anna D’Addio, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách (Trưởng nhóm chuyên đề của báo cáo); GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng viện Khoa học giáo dục Việt Nam; TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Arnold John Siena, Phó giám đốc chương trình và Phát triển, Ban thư ký SEAMEO; bà Đậu Thúy Hà, Giám đốc điều hành của OMT và TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục thuộc đại học Quốc gia Hà Nội cùng thảo luận, trả lời những câu hỏi từ khách mời những nội dung liên quan đến Công nghệ giáo dục từ nhiều góc độ khác nhau.
Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá cao buổi công bố báo cáo khi đem đến nhiều thông tin. Tuy nhiên, để báo cáo trọn vẹn và hoàn thiện hơn, bà Anh Lan cho rằng vấn đề giới cần được phân tích sâu hơn để đưa ra các khuyến nghị.
Ngoài ra, bà Anh Lan cần những giải pháp căn cơ và lâu dài như việc thúc đẩy những thực hành tốt, kỹ năng tốt để giáo viên, học sinh hiểu trách nhiệm, sự tôn trọng khi tham gia thế giới mạng. Việc chia sẻ khuyến nghị trong báo cáo cùng thực hiện truyền thông báo cáo cần đẩy hai vấn đề này song song.
Những ý kiến đóng góp cùng rất nhiều kinh nghiệm thực tế hay những vấn đề mới về công nghệ giáo dục được các diễn ra nêu lên hoặc giải đáp ý kiến từ báo chí, khách mời, góp phần hoàn thiện hơn báo cáo khu vực Đông Nam Á về công nghệ giáo dục 2023. Riêng phía Việt Nam, bên cạnh tốc độ phát triển nhanh ở lĩnh vực công nghệ giáo dục cũng thêm được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển cũng như quản lý công nghệ giáo dục trong thời gian tới.