5 ngày sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, giáo viên, phụ huynh và dư luận xã hội vẫn bị chia rẽ giữa một bên là đồng thuận, ủng hộ còn một bên là phản đối. Số ít khác dù ủng hộ nhưng mong muốn cần có lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Khi dạy thêm, học thêm dường như đã ngấm sâu vào đời sống giáo dục thì việc ban hành một chính sách mới để quản lý chắc chắn khó lòng tạo được sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ ngay lập tức.
Vấn đề quan trọng lúc này là cần phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cả giáo viên, nhà trường, học sinh và phụ huynh ra sao để từng bước xây dựng một môi trường giáo dục không phụ thuộc vào dạy thêm, học thêm? Chúng ta cần phải hình thành cho học sinh khả năng chủ động như thế nào để dù không học thêm nhưng các em vẫn đủ kiến thức, kỹ năng đạt được các mục tiêu trong học tập? PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) dành cho VOV2 cuộc phỏng vấn.
Bấm nghe cuộc trao đổi
Chương trình chỉ 'nặng' nếu giáo viên đưa nội dung chính khóa đi dạy thêm, giao nhiều bài tập, giải đề
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, sau 5 ngày Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực, dư luận vẫn đang chia rẽ giữa một bên là đồng tình, một bên là phản đối. Khi đưa ra những quy định theo hướng “siết” hoạt động dạy thêm, học thêm này, Bộ GD-ĐT có lường trước làn sóng phản ứng, đặc biệt là sự phản ứng ngay trong chính một bộ phận giáo viên?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Một quy định, một chủ trương mới được ban hành chắc chắn sẽ có những ý kiến khác nhau. Khi ban hành Thông tư 29 để thay thế Thông tư 17 về dạy thêm học thêm chắn chắn không tránh khỏi một bộ phận nào đó cảm thấy chưa ‘thông’ nên sẽ có ý kiến khác nhau.
Nhưng để nói rằng phần đông dư luận phản ứng mạnh mẽ thì tôi lại không cho như vậy. Bởi những giáo viên có ý kiến ở đâu đó trên mạng xã hội, báo chí cũng chỉ là một phần nhỏ so với phần đông còn lại. Ngay cả các giáo viên có ý kiến chưa đồng thuận thì cũng là giáo viên của số ít các môn học mà lâu nay có tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Những quy định tại Thông tư 29 trong thực tế đã có nhiều quy định được thể hiện tại Thông tư 17 năm 2012. Ví dụ, quy định không dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học (ngoại trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống) đã được quy định tại Thông tư 17.
Hoặc giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa mà mình đã được phân công dạy học trong nhà trường cũng đã được quy định từ Thông tư 17. Tất nhiên, tại Thông tư 17 có thêm một ý “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó" thì tại Thông tư 29 đã bãi bỏ điều này. Tức là hiệu trưởng không còn quyền cho phép hay không cho phép giáo viên dạy bên ngoài nhà trường nữa.
Đối với quy định dạy thêm bên ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, thực tế nếu so với Thông tư 17 thì tại Thông tư 29 đã cởi mở hơn. Trước đây quy định dạy thêm học thêm thuộc về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, muốn dạy thêm phải 'xin phép' thì nay quy định mới đã không ràng buộc các điều kiện mà chỉ đăng ký kinh doanh, chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy giữa một bên là kinh doanh có điều kiện với một bên là “không điều kiện” thì không thể nói quy định tại Thông tư 29 là ‘siết’ chặt hơn.

PV: Lý do khiến một bộ phận giáo viên, phụ huynh chưa đồng thuận với những quy định tại Thông tư 29 là Chương trình giáo dục phổ thông còn nặng; thời gian giảng dạy trên lớp không đủ để giáo viên có thể trang bị kiến thức đồng đều cho toàn bộ học sinh; Không nên cào bằng trình độ học sinh khi nhiều em có nguyện vọng được học thêm để nâng cao trình độ... Những lý do này theo ông có xác đáng?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Tôi cho rằng đây là nhận định mang tính chủ quan. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của TW; Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hiện Chương trình cũng đã triển khai đến năm thứ 5. Vừa rồi, Ủy ban thường vụ Quốc hội có kỳ giám sát quá trình thực hiện và Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định chương trình đáp ứng đúng quy định, chương trình đã được giảm nhẹ hơn rất nhiều, một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thay vì tập trung vào kiến thức như trước đây. Cụ thể, trong Chương trình mỗi một nội dung giáo dục của bất cứ môn học nào đều ghi những yêu cầu cần đạt mà thực chất chúng tôi vẫn thường nói là một số gạch đầu dòng mà học sinh phải làm được khi học nội dung đấy.
Như vậy, nếu nói Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ‘nặng’ thì cần phải xem lại điều này. Rất nhiều giáo viên khi thực hiện, triển khai chương trình thấy được tính ưu việt và đáp ứng đúng tinh thần của sự giảm nhẹ.
Có chăng ở đâu đó nói Chương trình ‘nặng’ thì như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng nói, ‘giống như lưu trữ trong máy tính được một file nhưng được nhân lên nhiều lần thì tự dưng sẽ nặng’. Tương tự như vậy, nếu giáo viên dạy xong chính khóa và đưa nội dung đấy đi dạy thêm, tiếp tục giao bài tập về nhà cho học sinh thì cái "nặng" đã được tăng lên 2,3 lần, thậm chí "nặng" thêm nhiều hơn nếu giáo viên dạy thêm nhiều lần.
Thứ hai, với một Chương trình phát triển năng lực, phẩm chất, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo rất kỹ. Yêu cầu quan trọng nhất để đáp ứng chương trình là phải đổi mới phương pháp dạy học, trong 45 phút thầy "dạy ít" đi, có nghĩa thầy phải giao việc cho học trò. Giáo viên có vai trò tổ chức định hướng, kiểm tra hoạt động học của người học. Học sinh phải biết tự học ngay ở trong lớp; biết đọc sách giáo khoa theo yêu cầu của giáo viên để nắm được kiến thức gì? Để vận dụng, xử lý được việc gì?
Tất nhiên trong một lớp không bao giờ có chuyện học sinh đồng đều cả. Nhưng khi lớp học được tổ chức theo phương pháp đó thì thầy có nhiều thì giờ hơn ở trong lớp, tôi gọi là "rảnh tay" hơn để có thể chú ý các học sinh yếu hơn, hỗ trợ các em đó hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, giáo viên phải làm sao huy động được sự tương tác lẫn nhau giữa học sinh mà chúng tôi thường nói là “học tốt nhất là đi dạy người khác”.
Nhà trường, giáo viên thực hiện đúng chức trách của mình trong quá trình dạy học theo từng môn học, từng giờ học chính khóa sẽ đảm bảo cho học sinh có năng lực tự học ngay từ đấy. Thời giờ còn lại trong nhà trường phải tổ chức rất nhiều các hoạt động khác giúp học sinh phát triển các phẩm chất năng lực theo đúng yêu cầu chương trình.
Dạy buổi 2 nhưng vẫn dồn học sinh vào lớp để dạy văn hóa là vi phạm quy định dạy thêm học thêm
PV: Biết rằng những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29 là đúng đắn, hướng đến môi trường trường học không dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, khi thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư dù sao cũng khiến kế hoạch giáo dục của nhà trường, của giáo viên và ngay cả của phụ huynh cũng bị xáo trộn. Ví dụ, đối với học sinh cuối cấp, học sinh chưa đạt yêu cầu, học sinh tham gia đội tuyển Học sinh giỏi - nhà trường lấy kinh phí ở đâu để hỗ trợ giáo viên tham gia bồi dưỡng? Phụ huynh sẽ phải quản lý con như thế nào khi các trường đồng loạt ngừng dạy thêm?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Nếu kế hoạch giáo dục của nhà trường bị thay đổi bởi Thông tư 29 thì nhà trường phải xem lại chúng ta đã xây dựng kế hoạch giáo dục đã đầy đủ chưa? Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại văn bản số 5512 khi bắt đầu triển khai Chương trình mới, ít nhất có 2 phụ lục gợi ý cho thầy cô xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó một phụ lục xây dựng kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình và phân phối chương trình; một phụ lục để thầy cô tham khảo xây dựng các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.
Trong nhà trường có rất nhiều hoạt động giáo dục khác nhau. Nếu tổ chức dạy học buổi sáng, thời lượng Chương trình chỉ khoảng 28-29 tiết/tuần. Buổi chiều, chúng ta có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục khác cho học sinh.
Ví dụ, hoạt động Đoàn đội, hoạt động trải nghiệm, đọc sách tại thư viện, hoạt động tự học... Ngoài ra còn có các hoạt động tại sân chơi, bãi tập, nhà đa năng với các trang thiết bị được đầu tư xây lắp. Như vậy, có rất nhiều hoạt động mà nhà trường có thể chưa xây dựng kế hoạch đầy đủ để khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất, thiết bị đã được xây lắp.
Như vậy, trường nào bị xáo trộn bởi Thông tư 29 tức là do kế hoạch giáo dục của buổi chiều chỉ tập trung cho học thêm dạy thêm nên mới xáo trộn. Nếu không tổ chức dạy thêm học thêm mà tổ chức các hoạt động giáo dục khác, học sinh vẫn được vận dụng những kiến thức ở các môn học, hoạt động giáo dục học trong buổi sáng đưa vào các hoạt động trong buổi chiều để phát triển các năng lực của học sinh là điều rất tốt.
Một điểm lưu ý, tất cả những hoạt động giáo dục đó đều đã được Bộ quy định. Khi giáo viên được phân công phụ trách các hoạt động Đoàn, Đội, các hoạt động khác... nếu có thừa giờ thì được thanh toán tiền thừa giờ, nguồn kinh phí trong ngân sách cũng đã bố trí.
Ngoài ra, các hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực của học sinh tại Nghị định số 24 năm 2021 của Chính phủ cũng quy định, nếu cần tổ chức các hoạt động thì được thu kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ các hoạt động giáo dục theo quyết nghị của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chúng tôi lưu ý, để tổ chức các hoạt động trường phải sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp, bao gồm ngân sách Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác, đặc biệt Hiệu trưởng phải có trách nhiệm phân công giáo viên một cách hài hòa, hợp lý, sử dụng một cách hiệu quả đội ngũ, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị trong nhà trường.

PV: Sau khi không được tổ chức dạy thêm trong trường học, một số địa phương như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ... đang thí điểm mô hình dạy học 2 buổi/ngày trước khi nhân rộng đại trà. Theo đó, học sinh sẽ học cả ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và nghỉ thứ Bảy. Việc một số trường, một số địa phương thí điểm hoặc mở rộng học 2 buổi trên ngày liệu có phải là cách lách các quy định tại Thông tư 29, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thứ nhất, hướng dẫn về dạy học 2 buổi/ngày được thể hiện tại văn bản số 7291 ban hành từ năm 2010. Trong đó quy định rất nhiều hoạt động như tôi vừa nêu ở trên chứ không phải là dạy học 2 buổi/ngày thì buổi thứ hai vẫn xếp học sinh vào lớp để dạy các môn văn hóa. Do vậy, nếu tổ chức đúng thì học 2 buổi/ngày không thể vi phạm quy định về dạy thêm học thêm được.
Khi đề cập đến vấn đề dạy thêm học thêm trong nhà trường, các thầy cô phải đọc kỹ giải thích từ ngữ tại Thông tư 29. Đó là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài kế hoạch giáo dục đối với môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình. Trong khi đó tất cả những hoạt động khác của nhà trường trong buổi thứ hai (tức là dạy học 2 buổi/ngày) thì có rất nhiều hoạt động để giúp học sinh tự học, tự rèn luyện, được phát triển các kỹ năng của mình.
Việc 'học' cũng được quy định ngay trong Điều 19, Khoản 2, Điều lệ trường học, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, thực hành, câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng…. Các trường phải xây dựng kế hoạch như vậy chứ không phải bây giờ tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng buổi chiều vẫn 'lấp' học sinh vào lớp như thế là vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Nếu làm đúng thì không có khái niệm lách luật ở đây.
PV: Trước và sau khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, tại một số địa phương ghi nhận nhiều cá nhân đến đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, việc “quản” dạy thêm, học thêm phải chăng chỉ là chuyển từ hình thức này sang hình thức khác?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Khi xây dựng TT và quy định việc dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh và không thu tiền chắc chắn ở trong một giai đoạn, nhất là giai đoạn bắt đầu triển khai TT thì sẽ nảy sinh một số vấn đề (như phóng viên đề cập).
Tuy nhiên, nếu thực sự học sinh, phụ huynh có nhu cầu mà không phải vì bất cứ một ép buộc nào cả thì khi có ‘cầu’ ắt sẽ có ‘cung’. Nhưng cái 'cung' ấy phải được pháp luật quản lý và phải làm đúng theo pháp luật. Làm đúng theo pháp luật để các bên liên quan có trách nhiệm với con cháu mình. Cho nên người dạy cũng phải đáp ứng yêu cầu, đây không phải là điều kiện của TT mà đó là điều kiện của việc dạy học, của giáo dục; Hay đơn giản địa điểm tổ chức dạy thêm học thêm phải đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh, sức khỏe học sinh ra sao? Tất cả mọi chuyện phải được công khai để toàn dân được biết và giám sát.
Chúng tôi tin rằng, song song với TT 29 chắc chắn có những giải pháp để làm sao tách bạch giữa trách nhiệm của nhà trường khi tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên làm tròn trách nhiệm của mình trong nhà trường, khi đã làm tròn trách nhiệm ấy, thực hiện đúng theo điều lệ, thực hiện đúng theo chương trình, nếu dạy học 2 buổi/ngày không phải tất cả học sinh có mặt tại trường đều ngồi trong lớp để nghe thầy cô dạy, hoặc giải đề mà phải có nhiều các hoạt động với các hình thức như đã quy định tại Chương trình, tại Thông tư, lúc đó học sinh sẽ có năng lực tự tin, tự học và tôi tin rằng khi đó phụ huynh, học sinh cũng không lo lắng phải tìm chỗ cho con đi học thêm. Và số lượng học sinh có nhu cầu đi học thêm phải giảm xuống.
Chúng ta không bao giờ coi số lượng học sinh có nhu cầu đi học thêm là hằng số để không cho dạy thêm trong trường thì học sinh lại đi ra bên ngoài trường để học thêm là nhiều được. Đây mới là điều chúng ta hướng tới để đảm bảo chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng, giáo viên phải có trách nhiệm giải trình, làm đầy đủ trách nhiệm của mình với với thế hệ học sinh. Những nhà giáo chân chính phải nhìn thấy đây là cơ hội để chúng ta nâng cao vị thế của bản thân, vị thế nghề nghiệp của mình lên.
PV: Không ít giáo viên các trường công lập cũng đặt câu hỏi băn khoăn khi họ không thể đứng ra thành lập trung tâm, doanh nghiệp hoặc điều hành một doanh nghiệp có hoạt động lĩnh vực giáo dục. Trong khi giáo viên trường tư thục lại có thể tự đứng tên đăng ký kinh doanh để mở trung tâm/lớp dạy thêm. Điều này có công bằng, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thứ nhất, đây là quy định chung được thể hiện trong Luật cán bộ công chức, viên chức và Luật Doanh nghiệp, không phải là Thông tư 29 quy định. Không chỉ là kinh doanh dạy thêm học thêm mà bất kể ngành nghề gì thì viên chức làm việc tại một cơ sở công lập đều không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Như vậy đây là quy định chung chứ không phải là sự thiếu công bằng giữa giáo viên trường công đối với giáo viên trường tư.