Chiều 19/10, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội).

Tham dự đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có các đồng chí Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đại diện Bộ TTTT, Đại diện Bộ GD-ĐT và Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV chia sẻ: Trường Đại học KHXH&NV là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo với Trưởng ban Tuyên giáo và đoàn công tác về lĩnh vực hoạt động đào tạo báo chí truyền thông, PGS.TS Đặng Thu Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (BCTT) của trường là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu BCTT có truyền thống và uy tín. Viện có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ, có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế. Sinh viên của Viện có điểm đầu vào cao, quá trình đào tạo được kết hợp lý thuyết với thực hành, hiện nhiều cựu sinh viên của trường đang làm việc trong những cơ quan báo chí uy tín và được đánh giá có nền kiến thức xã hội tốt, khả năng thích ứng với nghề báo cao...

PGS.TS Đặng Thu Hương kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Báo chí truyền thông (BCTT ), ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực BCTT. Có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, cũng như định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo BCTT công lập và ngoài công lập. Chủ trì biên soạn một số giáo trình dạy chung trong các cơ sở đào tạo BCTT. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo cần tạo cơ chế, chính sách để Hội đồng tư vấn chính sách của Trường Đại học KHXH &NV được báo cáo trực tiếp, tham mưu, giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, đạo đức; chủ trương quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông… Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ TT&TT và các cơ sở đào tạo báo chí uy tín xây dựng Khung CDR cho các chương trình đào tạo báo chí. Cho phép mở một số ngành thí điểm, cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng được tuyển sinh trình độ Thạc sỹ báo chí định hướng ứng dụng tại địa phương.

Không phủ nhận vai trò học thuật trong trường đại học, nhưng Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh mong muốn cần cải thiện mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí. Sinh viên báo chí cần thực hành càng nhiều càng tốt, tham gia vào hoạt động thông tin báo chí tại tòa soạn càng sớm càng tốt. Ngay từ năm thứ 2 nhà trường đã phải cho sinh viên tiếp cận với môi trường báo chí thực tế thì khi ra trường các cơ quan báo chí mới không phải đào tạo lại. "Bồi dưỡng kỹ năng báo chí chuyên sâu đây là điều chúng tôi rất cần"- ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Đại diện Bộ TT&TT, Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đưa ra những ý kiến về chủ trương, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hội nhập trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.Đồng thời phản hồi những kiến nghị của nhà trường liên quan đến các vấn đề cấp thẻ cho nhà giáo tham gia đào tạo báo chí, vấn đề khung chương trình, cơ cấu lại nội dung đào tạo, kỹ năng đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao... Đại diện Ban Tuyên giáo ghi nhận chất lượng đào tạo của nhà trường,là cơ sở đào tạo báo chí không tuyển sinh nhiều nhưng tinh lọc, thời gian qua nhà trường đã có nỗ lực lớn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện hoạt động đào tạo.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của các đồng chí trong Đoàn công tác, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết: Trường ĐH KHXH&NV có nhiều đề án đổi mới, ĐHQGHN đã có Nghị quyết về phân tầng đào tạo, đào tạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, có chính sách thu hút sinh viên giỏi. Trường ĐH KHXH&NV những năm qua đã đẩy mạnh việc cấu trúc lại chương trình đào tạo, trong bối cảnh mới gắn lý thuyết với thực tế nghề. Nhà trường có trung tâm thực hành được thực hành TTBC gắn với bối cảnh chuyển đổi số.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo: Hội nghị Trung ương 8 tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời đại mới. Thực hiện nghị quyết 20 về khoa học công nghệ, GD-ĐT, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về GD-ĐT, trong đó lĩnh vực đào tạo báo chí cần đặc biệt quan tâm. Cần tập trung nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, nhà quản lý, phóng viên, tinh thông nghiệp vụ trong báo chí truyền thông thời đại mới,vững vàng bản lĩnh chính trị. Cần nghiên cứu để việc đào tạo BCTT trong một thể thống nhất thích ứng với thời cuộc. Tiếp tục thực hiện tốt đào tạo bồi dưỡng đội ngũ người làm báo trong thời kỳ mới. Tập trung công tác báo chí và xuất bản tại nhà trường, nhằm xây dựng được khung chương trình trong phạm vi toàn quốc (đạt chuẩn mới được đào tạo ngành báo chí) bởi báo chí là lực lượng binh chủng hết sức đặc biệt, sứ mạng quan trọng của đất nước trong thời bình. Tránh việc học không đi đôi với hành.

Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những thành tựu trường đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn nhà trường tiếp tục có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước :" Giá trị phẩm chất nhiệm vụ đặt ra thời kỳ nào cũng thể hiện nhà trường có đóng góp lớn cho đất nước trong việc xây dựng nguồn lực chất lượng cao. Nhiều nhà khoa học, nhà chính trị được đào tạo tại trường, nhiều liệt sĩ, nhà văn, nhà báo hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Thời kỳ đổi mới có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo tinh thần Đại hội XIII, đổi mới tư duy, sáng tạo, xứng đáng là đơn vị đầu đàn của ĐHQGHN."