Sinh viên học trực tuyến nửa năm mà trường ĐH vẫn thu học phí cao là rất phi lý
Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt của nền KT-XH, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Để giảm bớt những khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Chỉnh phủ đã tung gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trong năm 2020 và 32 nghìn tỷ năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm UB Tư Pháp, ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần phải đảm bảo sự công bằng trong việc phân bổ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao đông.
“Ví dụ khi đại dịch xảy ra thì các cô giáo mầm non rất là khốn khó, sống khổ sở khi không có nguồn thu nhập. Do vậy, cần phải quan tâm đến đối tượng này trong việc thực hiện chính sách.” – ông Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, trong suốt hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho các cấp học nhất là bậc Đại học liên tục phải dạy và học trực tuyến. Thậm chí, thời gian sinh viên ở nhà học trực tuyến nửa năm liên tục, không lên lớp nhưng vẫn thu học phí bình thường, thậm chí còn rất cao.
“Sinh viên ở nhà học trực tuyến thì nhà trường không phải bỏ tiền điện, tiền nước, cơ sở vật chất… Tôi cho rằng cần phải có sự can thiệp của nhà nước, phải có sự chấn chỉnh quản lý để dảm bảo sự công bằng vì phụ huynh học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.”- ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần cân nhắc và hết sức thận trọng trong việc tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
“Hằng năm chúng ta vẫn tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT đồ sộ cho xấp xỉ 1 triệu học sinh trên cả nước tham gia, tiêu tốn số tiền ngân sách không nhỏ, nhưng cuối cùng chỉ xác định được tỉ lệ học sinh không tốt nghiệp rất ít. Thậm chí năm 2020 tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp diễn ra đúng vào thời gian thi tốt nghiệp, lịch thi phải dời nhiều lần nhưng rồi tỷ lệ tốt nghiệp THPT lại cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, trong đó có đến hơn 20 tỉnh thành phố có tỉ lệ tốt nghiệp hơn 99%.” - ông Nguyễn Ngọc Bảo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt câu hỏi có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không?
Bộ GD&ĐT cần có kịch bản ứng phó khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài
Nhận định về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diến biến phức tạp, thậm chí dự báo từ nay đến cuối năm vẫn căng thẳng, ông Quảng Văn Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có những đánh giá cụ thể để tổng kết năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Nhìn lại năm học vừa qua, ông Quàng Văn Hương nhận thấy, học sinh-sinh viên các cấp học phải học online nhiều đợt. Thậm chí, suốt vài tháng nay, học sinh của nhiều tỉnh, thành phải nghỉ học và chỉ ở nhà. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành toàn diện của trẻ.
“Bộ GD&ĐT cần có đánh giá, nếu dịch bệnh kéo dài như thế này, học sinh tiếp tục phải chuyển sang học online thì Bộ cần có kịch bản ứng phó như thế nào? Tổ chức phối hợp giữa gia đình và nhà trường ra sao để giáo dục nhân cách cho học sinh phát triển tòan diện. Nếu không, học sinh chúng ta sẽ chỉ là những người ngồi trên máy tính. Học trên máy, giải trí trên máy mà không có sự giao tiếp bên ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách.” – ông Quàng Văn Hương lo lắng.
Đồng tình với những lo lắng của đại biểu Quảng Văn Hương, ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các Đài Truyền hình… cần xây dựng các chương trình trên trang web dạy đàn, dạy vẽ, tiếng Anh… cho học sinh khi phải nghỉ dịch dài ngày.
Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng lưu ý, mùa khai giảng sắp đến, Chính phủ và các địa phương cần quan tâm đặc biệt tới các gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Trẻ em tương lai của đất nước do vậy đây là trách nhiệm của Quốc gia. Chúng ta phải đảm bảo rằng, bước vào khai giảng tất cả trẻ em đều phải có đầy đủ trang phục, sách vở, dụng cụ học tập đến trường…”- ông Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.