Sinh viên thuộc vào nhóm đọc sách nhiều nhất nhưng nhìn lại vẫn chỉ tập trung đọc giáo trình, sách chuyên ngành phục vụ nhiệm vụ học tập, nghiên cứu. Để tạo nên nền tảng tri thức, bồi dưỡng tâm hồn thì phạm vi sách như vậy chưa thể đủ đáp ứng.

Nguyên nhân khiến người trẻ, đặc biệt sinh viên ít đọc sách theo ông Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội không khó để chỉ ra. Việc coi trọng điểm số từ các cấp học dưới khiến lịch học chính, học thêm của các bạn trẻ dày đặc, chỉ đọc hết sách giáo khoa môn học đã là khó khăn và chiếm hầu hết thời gian trong ngày. “Việc đọc khi không được rèn luyện, không thành thói quen sẽ không thể có đam mê”- Ông Long khẳng định.

Ngoài ra còn phải kể tới sự bùng nổi phương tiện nghe nhìn với sức hấp dẫn khó cưỡng. Khi quen tiếp nhận thông tin thụ động từ hình ảnh, âm thanh sẽ khiến việc đọc sách, vốn là hình thức thu nhận tri thức chủ động, đòi hỏi quá trình tư duy, phát huy trí tưởng tượng ít được mọi người lựa chọn.

Tuy nhiên, việc “hành chính hóa thư viện” được coi là nguyên nhân khách quan. Ông Thăng Long khẳng định điều này cần được các nhà quản lý, các nhà trường cùng nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục. Thư viện nếu đưa ra quy định về giờ mở cửa, đặc biệt khuôn trong giờ hành chính sẽ hạn chế việc đọc, mượn, trả sách của độc giả. Tạo một thư viện “mở” cần được hiểu theo nhiều phương diện: Giờ mở cửa phải theo nhu cầu độc giả từng khu vực, từng lứa tuổi; phương thức mượn- trả sách bớt thủ tục rườm rà; thái độ và trình độ thủ thư cần thân thiện, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn sách cần được số hóa để việc “mượn” sách không chỉ bằng phương thức trực tiếp đến thư viện. Một cú “nhấp chuột” đã đủ để độc giả bước vào thế giới sách phong phú, đa dạng. Đầu tư sách điện tử có nhiều thuận lợi không chỉ có mức phí thấp, cung cấp số lượng lớn mà còn đáp ứng xu hướng linh hoạt, nhanh chóng và tích hợp ở ngay thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, Ipad..., tạo nên hình ảnh hiện đại, năng động được giới trẻ, đặc biệt học sinh, sinh viên ưa chuộng.

Ở vai trò Phó hiệu trưởng phụ trách hệ thống thư viện trường đại học Mở, từ năm 2020 ông Dương Thăng Long đã triển khai tổ chức Ngày hội đọc sách 21/4 với rất nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn và thu hút. Và ngay trong lần đầu cử sinh viên dự thi Đại sứ Văn hóa đọc, đại diện sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội đã đem về một giải ba và một giải khuyến khích. Hiệu quả từ ngày Hội đọc sách khiến BGH nhà trường quyết định triển khai sự kiện Ngày hội đọc sách trở thành hoạt động thường niên. Nhưng theo ông Thăng Long, ngày hội chỉ là dịp khẳng định và lan tỏa rộng hơn, còn văn hóa đọc cần khơi dậy và thực hiện hằng ngày.

Về kinh nghiệm để đọc sách trở thành thói quen, thành đam mê thì theo bạn trẻ Tống Thị Định, sinh viên khoa tiếng Trung Quốc, Đại học Mở Hà Nội, người giành giải 3 Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 cần bắt đầu từ những loại sách dễ đọc và được cá nhân yêu thích, ví dụ như truyện tranh. Ngoài ra, khi đọc cần có thêm bút nhớ dòng hoặc sổ nhỏ để đánh dấu hoặc ghi chép những đoạn hay, tâm đắc và có thể cả những ý tưởng nảy sinh từ nhân vật, chi tiết hay kết cấu tác phẩm đọc được.

Một điều cô sinh viên giành giải 3 Đại sứ văn hóa đọc nhấn mạnh chính là việc luôn luôn cầm theo một cuốn sách nhỏ. Khoảng thời gian chờ xe buýt, giờ nghỉ giải lao hoặc đơn giản chờ đợi ai đó sẽ ngắn lại nếu bạn tranh thủ đọc vài trang sách. Để chuẩn bị cho Ngày hội đọc sách năm nay, Định đề xuất với thư viện trường tổ chức hoạt động tặng sách. Mỗi sinh viên sẽ lựa chọn một đầu sách tâm đắc đem đến tặng thầy cô, bạn học hoặc thư viện trường. Sức hấp dẫn của mỗi cuốn sách bởi lẽ đó sẽ không dừng ở một cá nhân.

Mời các bạn nghe cuộc trao đổi cùng thầy trò trường Đại học Mở quanh câu chuyện hình thành văn hóa đọc trong sinh viên: