Đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 có thời gian làm bài 180 phút. Nội dung cụ thể:

Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

Người xưa có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: “Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”.

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét, đề thi đưa ra những vấn đề khá hiển nhiên, ít khía cạnh để suy nghĩ, bàn luận, hầu như chỉ cần dùng thực tế cuộc sống hoặc văn chương để chứng minh.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về việc xây dựng hình ảnh cá nhân và đặt trong mối liên hệ, với xuất phát điểm từ câu tục ngữ tiếng Hán “hữu xạ tự nhiên hương”, kèm theo chú giải “có mùi hương tự nhiên sẽ thơm”. Theo cô Tuyết, ý nghĩa câu tục ngữ là điều hiển nhiên, hầu như không có vấn đề để suy ngẫm hay luận bàn!

Tất nhiên, học sinh cũng có thể tạo ra vấn đề trong sự so sánh với thực tiễn hiện nay, việc PR, quảng cáo, bằng nhiều cách, có cả cách đúng đắn, có cả cách đánh bóng tên tuổi hoặc thậm chí dùng scandal, thủ đoạn để tạo thương hiệu, hình ảnh, uy tín không dựa trên chất thật!

"Thực ra, câu thành ngữ có ý nghĩa: có xạ (chất để tạo hương) thì tự nhiên sẽ thơm. Cách chú giải như trong đề “có mùi hương tự nhiên sẽ thơm” chưa thật chính xác!

"Chất" với con người có thể trí tuệ, tâm hồn, tính cách, tấm lòng, bản lĩnh… - là những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị nội tại của con người mà không cần quá nhiều những tác động bên ngoài - cô Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Với đề thi yêu cầu trình bày suy nghĩ về những vấn đề ít cần suy nghĩ, cô Tuyết cho rằng học sinh không có nhiều đất để thể hiện cái tôi.

Ví dụ câu nghị luận văn học, nhà văn Việt sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chung, kho từ vựng chung của cộng đồng. Con chữ, ký tự là chung nhưng nhà văn có thể dùng nó để tạo ra tác phẩm riêng có tính phổ quát.

Theo cô Tuyết, đây là điều đương nhiên, có tính tiên đề, định đề - hầu như không có vấn đề cần suy ngẫm, bàn luận, chỉ cần chứng minh qua thực tế văn chương.

Cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề văn chỉ hay khi có vấn đề để suy nghĩ hoặc phản biện. Điều này tuyệt đối không đồng nghĩa với việc tạo vấn đề từ cái sai hiển nhiên để người viết dễ dàng lật ngược.

Thậm chí có thể nghĩ tới những vấn đề chưa hoàn kết, hoặc không bao giờ hoàn kết, những vấn đề có thể hàm chứa cả "chân" /"ngụy", cả những khuất lấp mãi mãi không được hé mở, phức tạp và đa diện, khó lường và luôn biến đổi…, như chính cuộc đời!

"Học sinh viết bài, dù nghị luận xã hội hay nghị luận văn học đều cần luận, muốn vậy, phải có vấn đề - đừng tìm sự an toàn trong việc yêu cầu trò chứng minh những tiên đề hiển nhiên! Ví dụ: Có mùi hương thì tự nhiên sẽ thơm! Hoặc: Nhà văn dùng vốn từ chung để tạo ra tác phẩm riêng có giá trị phổ quát…

Đến với một đề văn cũng như đến với một con người - có thể khiến ta ngay lập tức bị cuốn đi như chạm phải niềm say mê trong tiềm thức; hoặc bật lên vì sự bất bình trong ý thức phản biện… - thích thú hay bực bội đều được, miễn là đừng nhạt”, cô Trịnh Thu Tuyết nhận định”./.