Ngày 15/6/2023, ĐHQGHN tổ chức Hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thường niên năm 2023. Hội nghị nhằm triển khai chiến lược, kế hoạch và tập trung triển khai một số chính sách mang tính đột phá như: Đầu tư cho phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, Nhóm nghiên cứu mạnh; Hỗ trợ công bố quốc tế; Hỗ trợ cán bộ nghiên cứu trẻ; Thu hút nhà khoa học xuất sắc về làm việc tại ĐHQGHN; Hỗ trợ hợp tác song phương và đa phương cho các dự án hợp tác quốc tế lớn và cho các đối tác cùng đầu tư kinh phí; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp spin-off; Trao thưởng và vinh danh cho nhà khoa học xuất sắc; Thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp/phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN).

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn và Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo một số Sở Khoa học và Công nghệ địa phương. Về phía ĐHQGHN có đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách hoạt động KH&CN ở các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 của ĐHQG Hà Nội khẳng định “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ĐHQGHN”. Đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này trong bối cảnh mới, ĐHQGHN chỉ đạo các đơn vị tập trung huy động các nguồn lực tổng thể để thực hiện thành công các chỉ tiêu KH&CN trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh: năm 2023 được ĐHQGHN xác định là năm đột phá về hoạt động KH&CN. Bên cạnh những chính sách về KH&CN đã ban hành và triển khai trong thời gian qua, ĐHQGHN tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KH&CN, tháo gỡ vướng mắc về việc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Với định hướng phát triển KHCN tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Các chính sách của ĐHQGHN đưa ra theo hướng đầu tư tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KHCN trọng điểm quốc gia. Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành đã và đang được tăng cường, đặc biệt là chiến lược phát triển hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành tại Khu 22,9 ha ở Hòa Lạc để đổi mới việc tổ chức nghiên cứu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm KH&CN ứng dụng trong thực tiễn.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ, nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia vào các tổ tư vấn chính sách, phản biện chính sách của các bộ, ban, ngành. Các nhà khoa học đã khai thác thế mạnh nghiên cứu của mình, phối hợp với các địa phương triển khai các nhiệm vụ KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với các chính sách đã được triển khai, ĐHQGHN thu hút được hơn 100 nhà khoa học trẻ trình độ cao về làm việc và số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng mạnh với 1.600 bài năm 2022. Cùng với đó, về xếp hạng, chỉ số về mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng và chỉ số uy tín trong cộng đồng của ĐHQGHN đang gia tăng mạnh mẽ. Mới đây, theo bảng xếp hạng ảnh hưởng của Times Higher Education (THE Impact), ĐHQGHN có tên trong danh sách 70 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới về giáo dục có chất lượng.

Giám đốc Lê Quân đề nghị, lĩnh vực KH&CN nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác nói chung cần tiếp tục đổi mới, triển khai các chính sách đột phá, trước hết là cải cách hành chính, đổi mới chính sách đầu tư cho hoạt động KH&CN; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế, làm hạt nhân tăng cường năng lực KH&CN của ĐHQGHN, gắn các nhóm nghiên cứu mạnh với phát triển đội ngũ; thu hút và đẩy mạnh gắn kết hợp tác với doanh nghiệp, địa phương để đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào đời sống, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN đang đẩy mạnh các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, đồng thời triển khai các cơ chế tài chính đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, doanh nghiệp KH&CN.

Báo cáo công tác triển khai kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) năm 2023, PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, ĐHQGHN tập trung nhấn mạnh các chính sách và kế hoạch KH, CN&ĐMST ở ĐHQGHN. Thời gian vừa qua, các cơ chế, chính sách quản lý hoạt động KH&CN được ĐHQGHN ban hành, tạo hành lang pháp lý và phát triển sản phẩm KH&CN như: Quy định về quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN; Hướng dẫn về phát triển và ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN. Đặc biệt, ngày 08/02/2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN, giai đoạn 2021-2030. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng nhằm định hướng phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá chiến lược để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

ĐHQGHN cũng đã ban hành chủ trương hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ. Đây là một trong những chính sách đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

Trong giai đoạn mới, ĐHQGHN tiếp tục thực hiện các chính sách hiệu quả đã được thực thi. Trong đó, các nhà khoa học được ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển, đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển phòng thí nghiệm cho nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện dòng sản phẩm KH&CN ưu tiên của ĐHQGHN; được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về KH&CN để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, để KH&CN tác động trực tiếp và hiệu quả hơn tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát hiện các nút thắt, dỡ bỏ các rào cản để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo được môi trường thực sự thuận lợi, lành mạnh, giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực hiện trở thành đột phá chiến lược, gia tăng mạnh mẽ kết quả và hiệu quả đóng góp của hoạt động KH&CN đối với các mục tiêu phát triển đất nước trong dài hạn.

Ông Hải cũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH&CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chú trọng chất lượng và chỉ số tác động của các bài báo, công trình công bố quốc tế; khả năng ứng dụng và thương mại hóa kết quả KH&CN trong đời sống công nghiệp và xã hội; khuyến khích công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Cho phép thử nghiệm chính sách mới (Regulatory Sandbox) thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ mới.

Là trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN cho biết, việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống các doanh nghiệp spin-off trong trường đại học giúp phát triển các nguồn lực khoa học công nghệ và gia tăng ảnh hưởng xã hội.

GS.TS Nguyễn Thanh Hải cho rằng, với mô hình bao hàm đầy đủ các loại hình khoa học công nghệ (khoa học cơ bản (khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên); và các lĩnh vực định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ (công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ biển, công nghệ phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ năng lượng, công nghệ môi trường, công nghệ vũ trụ, công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến, thông minh); với hơn “100 nhóm nghiên cứu trong đó có 28 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 nhóm nghiên cứu tiềm năng; tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn”, năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và thành lập các doanh nghiệp spin-off của các nhà khoa học ở ĐHQGHN là rất lớn. Đây chắc chắn là các nguồn lực chất lượng cao, bền vững phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển quốc gia.

PGS.TS. Lê Hoàng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN, cho rằng, ĐHQGHN đã đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các trung tâm xuất sắc để đáp ứng sứ mệnh và nâng cao chất lượng đào tạo. Để đạt được các kết quả khoa học đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đột phá gắn với bằng sở hữu trí tuệ, ĐHQGHN tiếp tục thực hiện các giải pháp ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc và các mạng lưới liên hoàn. ĐHQGHN đã chủ trương phát triển các nhóm nghiên cứu có tiềm năng để đạt các kết quả khoa học đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đột phá, và đóng góp vào các giải pháp tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Những nhóm nghiên cứu có tiềm năng này bao gồm các cán bộ và sinh viên hiện đang hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ đã tự ý thức được tầm quan trọng của việc tự nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo để phát triển. Để đạt danh hiệu Nhóm nghiên cứu có tiềm năng, các thành viên phải tạo ra được nhiều sản phẩm nghiên cứu được đánh giá khách quan bởi các nhà khoa học và cộng động xã hội”, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn cho biết.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị ĐHQGHN cần phát huy vai trò, sứ mệnh của mình để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá, những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN không chỉ góp phần hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở ĐHQGHN mà còn tạo ra những sản phẩm đỉnh cao, thúc đẩy công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học có uy tín và gia tăng thương mại hóa chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, với vai trò và sứ mệnh của mình, ĐHQGHN cần có những đóng góp tích cực nhằm tham gia triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược này trong các chiến lược, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN. Thứ trưởng Bộ KH&CN đề nghị, trong năm 2023 và giai đoạn tới, ĐHQGHN cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, trong đó quan tâm đến thúc đẩy thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia mà ĐHQGHN đang chủ trì thực hiện, huy động các nguồn lực để đầu tư cho hoạt động KH&CN, chủ động trong khung khổ pháp luật cho phép để thúc đẩy đổi mới các phương thức triển khai hoạt động KH&CN, nhất là hoạt động thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm ủng hộ các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN, chủ động phối hợp xem xét các nhu cầu và đề xuất của ĐHQGHN, tham mưu tư vấn cho lãnh đạo Bộ những quyết sách nhằm hỗ trợ ĐHQGHN thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá, so với tương quan đầu tư vào KH&CN của ĐHQGHN với các sản phẩm KH&CN có thể nói năng suất lao động rất cao. Các chương trình KH&CN trọng điểm ĐHQGHN đang triển khai phù hợp với chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, bám sát quy hoạch các địa phương. Việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng, bồi dưỡng nhà khoa học trẻ đều hướng tới mục tiêu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên của quốc gia để có nguồn nhân lực tổ chức triển khai. Các nhóm nghiên cứu mạnh đang làm tốt vai trò thu hút và bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên hướng đi này cần phải có sự kết nối trong và ngoài nước.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, các nhóm nghiên cứu cần cam kết sản phẩm nghiên cứu và ĐHQGHN sẽ tiến hành đánh giá định kỳ 3 năm/lần làm cơ sở để hỗ trợ cấp kinh phí. Trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ĐHQGHN xác định ưu tiên tập trung vào các chương trình, nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, hướng tới triển khai sản phẩm KH&CN ứng dụng vào thực tiễn, phát triển sinh kế của người dân. Vì vậy, ĐHQGHN rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên nguyên tắc đối ứng. ĐHQGHN khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm và cam kết tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách. Việc ĐHQGHN hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng góp phần mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia

Giám đốc ĐHQGHN cho biết thêm, để doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học phát triển thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. ĐHQGHN thành lập VNUHN Holdings đóng vai trò là quỹ đầu tư, góp vốn cùng các doanh nghiệp KH&CN của ĐHQGHN để hỗ trợ các nhà khoa học phát triển sản phẩm.

Tại hội nghị, ĐHQGHN đã công bố danh sách 09 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN giai đoạn 2023-2028, 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN; công bố hỗ trợ 06 nhóm nghiên cứu mạnh/phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển sản phẩm; công bố hỗ trợ 08 nhà khoa học có công bố xuất sắc và thu hút nhà khoa học về làm việc tại ĐHQGHN.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN đã trao tặng Bằng khen cho 04 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, 08 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN và 75 nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2022.

Nhân dịp này, Tập đoàn T&T đã trao tài trợ hỗ trợ thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển ĐHQGHN (VNUHN-Holdings) trị giá 5 tỷ đồng; Tập đoàn Hồ Gươm và Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN trao thỏa thuận hợp tác; Quỹ Phan Anh phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ đa nền tảng VICO trao cam kết đầu tư cho dự án Smart – Refill do Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN làm đầu mối.