Chỉ còn hai tháng nữa là Nguyễn Nhật Minh sẽ lên đường sang Cộng hòa liên bang Đức để thực hiện chương trình nghiên cứu sau đại học nhưng em vẫn thu xếp thời gian đến Trường Đại học Thủy lợi để nghe GS Hitoshi Tanaka giảng bài. Minh chia sẻ: “Thật sự là đến đây em thấy có nhiều kiến thức em cần học hỏi hơn nữa nếu em muốn tiếp tục đi sâu vào con đường này. Với các GS người Nhật thì thành tích của các thầy khá là cao, các thầy cho bọn em cảm giác các thầy thân thiện, chia sẻ tất cả những gì các thầy biết . Cảm nhận của em là các thầy đang cố gắng hết sức vì thế hệ sau”.

Tuy không phải là sinh viên ngành công trình biển nhưng Đặng Công Phúc - sinh viên K60 của Trung tâm đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thuỷ lợi khi tìm hiểu về lĩnh vực này và đặc biệt khi nghe GS.TS. Hitoshi Tanaka và GS.TS. Nguyễn Trung Việt trò chuyện, chia sẻ về những vấn đề khó khăn của lĩnh vực này Phúc lại có ý định khi học cao học sẽ lựa chọn ngành học này. Qua tìm hiểu Phúc thấy nhân lực ngành này hiện rất thiếu nên em quyết định sẽ theo học cao học chuyên ngành này với mong muốn được trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực công trình biển để có những đóng góp cho đất nước.

Lần đầu tiên được nghe GS. Hitoshi Tanaka giảng bài, sự vui vẻ, hóm hỉnh của GS đã khiến giờ đã khiến giờ học vô cùng sôi động bởi sự tương tác giữa các thành viên tham gia bao gồm cả sinh viên, học viên cao học và giảng viên đại học. Niềm say mê nghiên cứu, khám phá, những kinh nghiệm thực tiễn và cả những bài học thất bại được GS người Nhật chia sẻ thẳng thắn và cởi mở khiến người nghe cảm thấy rất thích thú và bổ ích.

Ở Trường Đại học Thuỷ lợi nhiều sinh viên đã được học và làm việc với GS. Hitoshi Tanaka và đã trở thành những người thành công. Không chỉ đóng góp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và GS còn là người truyền cảm hứng, dẫn dắt những giảng viên, sinh viên của trường. Những người thầy của Phúc luôn kể cho những sinh viên của mình nghe về ông thầy Nhật Bản “tuyệt vời ấy”.

Chuyện ông GS người Nhật yêu Việt Nam và dìu dắt những thế hệ sinh viên Việt Nam như một cơ duyên. Năm 1991, khi đến Bangkok, Thái Lan làm phó giáo sư ông có hướng dẫn một sinh viên Việt Nam đầu tiên là anh Đặng Văn Tỏ trong chương trình thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á. Sau đó, ông quay trở lại Nhật Bản công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Tohoku. Thời gian đó GS. Nguyễn Trung Việt đến đó làm nghiên cứu sinh và được GS trực tiếp hướng dẫn. Cơ duyên nối tiếp cơ duyên, từ đây GS. Tanaka đã trở thành người thầy, người bạn của nhiều sinh viên Việt Nam.

Quá trình dạy, cùng nghiên cứu với các học viên, chuyên gia Việt Nam, GS Tanaka cảm nhận được những nét tương đồng từ văn hóa đến tinh thần tâm huyết với công việc của những cộng sự người Việt. Điểm tương đồng ấy đã khiến ông hết lòng với các hoạt động giảng dạy, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm thành bại trong kỹ thuật trị thủy, trị biển chuyên ngành sâu của ông cho các đối tác Việt Nam. Ông mong muốn Việt Nam thừa hưởng những thành tựu nghiên cứu hiệu quả của Nhật bản và tránh được những thất thoát những sai lầm mà chính Nhật Bản đã từng phải trả giá.

Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi, GS Hitoshi Tanaka cho biết: Trong thuỷ lợi thì có hai mảng là chỉnh trị sông và kỹ thuật công trình biển. Chỉnh trị sông thì tương đối là lâu đời rồi, riêng về kỹ thuật công trình biển ở Nhật Bản thì có khoảng 60-70 năm nay, cũng tương đối mới, đối với Việt Nam thì lại càng mới hơn. Thiên tai ở Nhật Bản xảy ra rất thường xuyên, ví dụ như bão, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, động đất, sóng thần… đều rất là nghiêm trọng và vì vậy Nhật Bản có rất nhiều kinh nghiệm xử lý thành công nhưng bên cạnh đó vẫn có những thất bại. Trong quá trình làm việc GS muốn chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm, thành tựu và cả những bài học thất bại đã gặp phải. Điều quan trọng là đào tạo đội ngũ tri thức có thể nắm bắt được những kỹ thuật này.

Là người học trò được GS. Hitoshi Tanaka dìu dắt từ những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học, những năm tháng được cùng thầy học tập, nghiên cứu, đi thực tế với GS. Nguyễn Trung Việt (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi) là những năm tháng không thể nào quên. Coi GS Tanaka như người cha tinh thần của mình, suốt những năm tháng sau này khi đã bảo vệ xong luận án TS trở về Việt Nam đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, GS Nguyễn Trung Việt vẫn luôn kề vai sát cánh với người thầy Nhật Bản của mình thực hiện rất nhiều nghiên cứu có giá trị thực tiễn.

Hơn 20 năm học tập, nghiên cứu và làm việc cùng GS Hitoshi Tanaka với GS Nguyễn Trung Việt là sự may mắn bởi được học một chuyên gia quốc tế nhưng quan trọng hơn là được người thầy Nhật Bản ấy rất đỗi yêu thương. Với GS Nguyễn Trung Việt, tài năng và đạo đức của GS Hitoshi là tấm gương sáng truyền cho ông động lực học tập, nghiên cứu và cống hiến .

Nói về người thầy Nhật Bản của mình, GS. Nguyễn Trung Việt không dấu nổi sự xúc động, trân quý, kính trọng. Không chỉ cho học trò kiến thức, GS. Tanaka còn chỉ cho học trò đường đi, hỗ trợ học trò tạo dựng mạng lưới kết nối. Nhờ sự hỗ trợ của GS. Tanaka từ năm 2006 đến nay, rất nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản, đặc biệt là Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản (Japan Society of Civil Engineers-JSCE) và rất nhiều hoạt động, rất nhiều chương trình nghiên cứu, sinh viên trao đổi và chương trình hợp tác cùng nghiên cứu giữa Nhật Bản và Việt Nam được ký kết và triển khai thực hiện. Những chuyến bay Hà Nội - Tokyo, Tokyo - Hà Nội không chỉ đưa người thầy tài năng nhiệt huyết ấy đến với Trường Đại học Thủy lợi mà còn đưa những lứa sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Trường Đại học Thủy lợi nói riêng tới Nhật Bản để học tập và nghiên cứu. Cùng với những chuyên gia Việt Nam trên các công trình phòng chống thiên tai ở: Cửa Đại, Hội An; Cửa Lở, Quảng Nam; cửa sông Cái, Nha Trang; cửa Đà Rằng, Phú Yên… thấp thoáng bóng dáng thân thuộc với gương mặt rất hiền hậu của GS. Hitoshi Tanaka giản dị và khiêm nhường, người thấy ấy đã và đang dẫn dắt thế hệ tri thức trẻ Việt Nam trị thủy, chỉnh sông, trấn biển … Họ cùng nắm tay nhau đem tri thức và quyết tâm đi về hướng mặt trời…

Một số hình ảnh GS Tohoshi Tanaka đi thực tế cùng các chuyên gia Việt Nam

GS. Hitoshi Tanaka trong chuyến đi thực địa cùng các chuyên gia tại bãi biển Cửa Đại, Hội An (từ phải: GS. Tanaka, Đại học Tohoku; PGS. Nguyễn Văn Thịnh, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; GS. Nicholas Dodd, Đại học Nottingham, Vương quốc Anh; GS. Nguyễn Trung Việt và PGS. Võ Ngọc Dương, Đại học Đà Nẵng)

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết tại đây: