Bấm nghe phóng sự:

Giáo viên không thể yên tâm giảng dạy khi phân thân làm nhiều việc

Bàn về hiện tượng giáo viên bỏ việc xảy ra trong thời gian gần đây, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT) cho rằng thực tế hiện nay, thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ cho các giáo viên đảm bảo cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều giáo viên không bám trụ với nghề.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhớ lại, trong một dịp trao đổi với giáo viên ở một trường học của tỉnh Hà Nam, chị đặt câu hỏi có giáo viên nào phải làm việc trái tay để đủ sống? Điều bất ngờ, toàn bộ giáo viên có mặt trong cuộc họp hôm đó cho biết, họ đều phải làm thêm một công việc khác để nuôi sống gia đình. Có người phải làm nghề nông, có người bán trứng vịt lộn, bán hàng online hoặc làm một công việc khác.

“Chúng ta xót xa khi giáo viên đang phải phân thân mình làm nhiều công việc khác nhau. Xã hội cũng có góc nhìn về công việc của giáo viên đó. Và đương nhiên sẽ không bao giờ nhìn thấy được sự trọn vẹn trong các hoạt động giáo dục của giáo viên như chúng ta mong muốn”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được tổ chức tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra thực tế, ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: một là giáo viên, hai là tài chính.

Đến ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký công văn số 5740/BGDĐT-VP gửi các vị đại biểu Quốc hội cung cấp một số thông tin về lĩnh vực GD-ĐT trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Trong băn bản này, người đứng đầu ngành Giáo dục thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.

Để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, Bộ GD-ĐT đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bộ GD-ĐT đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Tiếp đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 4/11, khi nói về các giải pháp ngăn giảm giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần có thực mới vực được đạo. “Đó là điều chúng tôi đang đề xuất và kiến nghị”, ông Sơn nói.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, vấn đề lương, đãi ngộ của giáo viên phải là vấn đề mang tính vĩ mô. Quốc hội cần phải có quyết sách cụ thể giải quyết vấn đề này. Còn nếu tiếp tục duy trì lương, đãi ngộ như hiện nay, giáo viên không đủ sống.

Bất cập nhất trong thang, bảng lương, phụ cấp giáo viên hiện nay, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trong khi xã hội đang trả lương bằng năng lực, theo vị trí vị việc làm thì ngành giáo dục (cũng như cán bộ viên chức, công chức lĩnh vực khác) chủ yếu tính bằng thâm niên công tác.

“Ngoài việc tăng lương thì cần phải cải tổ quy trình công việc để giảm sức lao động của giáo viên trong những công việc không cần thiết. Đồng thời cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Giáo viên sẽ thực sự hạnh phúc nếu như công việc của họ được quan tâm đầu tư về tư liệu sản xuất để yên tâm làm việc”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ kiến nghị.

Người thầy chỉ dạy tốt khi họ hạnh phúc và được tôn trọng

Chuyên gia giáo dục, Ths.Nguyễn Quốc Vương từng là một giảng viên của một trường đại học top đầu Việt Nam. Vài năm trước, anh đột ngột quyết định rời bỏ công việc giảng dạy đại học để chuyển sang làm biên tập viên sách và truyền cảm hứng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Anh Vương thừa nhận, việc từ bỏ vị trí giảng viên đại học công lập một phần vì thu nhập không tương xứng nhưng điều quan trọng nhất là đã tìm được cơ hội việc làm mới phát huy được trình độ, kiến thức và mang lại cho bản thân nhiều niềm vui hơn.

Quan sát công việc giáo viên hiện nay, anh Vương nhận thấy, giáo viên đang phải làm nhiều công việc không hợp lý, trong đó có cả việc đi bán một số dịch vụ trong trường học để thu tiền hoặc áp lực sổ sách, thi đua quá lớn… Khi giáo viên phải làm những công việc không chính đáng, không thoải mái sẽ bào mòn động lực làm việc của họ.

“Nghề giáo bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Người thầy chỉ có thể dạy tốt khi họ cảm thấy hạnh phúc, một sự bình an trong tâm hồn. Còn nếu mất đi cảm giác hạnh phúc khi lên lớp thì người thầy sẽ ngày càng cảm thấy mỏi mệt”, Ths. Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương

Cụ thể hơn, Ths. Nguyễn Quốc Vương cho rằng, giáo viên trường phổ thông không chỉ là người truyền dạy tri thức, trang bị kỹ năng cho học sinh mà còn là người có ảnh hưởng toàn diện tới học sinh, đặc biệt là phát triển nhân cách, tâm hồn, thái độ, sự trưởng thành của con người.

“Do vậy ở trường phổ thông, nếu người thầy không hạnh phúc, không được sống đầy đủ cảm xúc của con người thì rất khó có thể trở thành nhà giáo dục gây ảnh hưởng tốt học sinh. Chỉ có những ngôi trường làm cho giáo viên có cảm giác yên tâm, hạnh phúc, mỗi ngày đến trường, đến lớp với học trò đều tràn đầy ý nghĩa thì người thầy sẽ làm tốt công việc của mình”, anh Nguyễn Quốc Vương khẳng định.

Bên cạnh đó, theo anh Vương, tại các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, cơ quan quản lý giáo dục đã chuyển tư duy từ giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử phạt sang tập trung tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên. Tư duy này ở nước ta, anh Vương cho rằng còn rất xa lạ. Giáo viên gặp khó khăn về chuyên môn thì ai sẽ giúp đỡ họ? Khi giáo viên gặp khó khăn trong các mối quan hệ với học sinh, phụ huynh ai sẽ hỗ trợ? “Đang có một khoảng trống hỗ trợ giáo viên trong trường học”, anh Vương nói.

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cũng cho rằng, giáo viên phải được giải phóng khỏi áp lực sổ sách, những cuộc thi không cần thiết, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin…

“Chúng ta đang xây dựng trường học hạnh phúc. Nhưng để có trường học hạnh phúc thì trước hết thầy cô phải hạnh phúc. Thầy cô không hạnh phúc thì làm sao học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc được”, ông Học chia sẻ.