Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 10 trường đại học thông báo mở ngành này như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội …

Trước đó, cuối năm 2023, 3 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành này.

Theo TS. Nguyễn Đức Quận, Phó trưởng ban đào tạo, Đại học Đà Nẵng, năm 2024 Đại học Đà Nẵng có 3 trường kỹ thuật là ĐH Bách Khoa, ĐH Sư Phạm Kỹ thuật và ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với tổng 200 chỉ tiêu. Cụ thể, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tuyển 100 chỉ tiêu, ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn và ĐH Sư Phạm Kỹ thuật mỗi trường tuyển 50 chỉ tiêu. Đáng chú ý, Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn do là năm đầu tiên tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn nên nhà trường giành suất học bổng cho những sinh viên điểm cao đỗ vào ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 nghìn đến 50 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch. Để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẽ mở chuyên ngành đào tạo lĩnh vực này từ khóa tuyển sinh năm 2024. ĐH Bách Khoa Đà Nẵng hiện đã phối hợp cùng các đơn vị như FPT miền Trung, NIC… để mở các khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch cho giảng viên và sinh viên dự kiến vào tháng 02/2024.

Tại nhiều trường ĐH hiện nay, nội dung về Thiết kế vi mạch, bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như Điện – Điện tử, Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật... Tuy nhiên, việc mở ngành mới, tách chương trình này thành một chuyên ngành riêng trong năm 2024 theo các trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và đón đầu chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Việc mở chuyên ngành đào tạo Thiết kế vi mạch riêng đã được các trường chuẩn bị kỹ lưỡng. TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, ĐH Huế cho biết, ĐH Huế đã xây dựng đề án liên trường liên khoa đào tạo ngành vi mạch bán dẫn đến năm 2024 sẽ tuyển sinh. Đây là ngành có thế mạnh với những phòng thực tập được xây dựng hiện đại, chương trình đào tạo có sự liên kết với các doanh nghiệp. Đáng chú ý, doanh nghiệp cam kết những sinh viên ngành này có kết quả học tập từ khá trở lên sẽ được tài trợ trong quá trình học tập.

Trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG TP.HCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường ĐH thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐHQG TP.HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Là một trong 3 trường thành viên của ĐHQG TPHCM đào tạo ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn trong năm 2024, TS. Lê Đức Hùng, trưởng Bộ môn điện tử Khoa điện tử - viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc Gia TP.HCM cho biết, nhà trường đã xây dựng đề án đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại và đồng bộ phục vụ đào tạo và tuyển sinh ngành mới:

“Khoa và nhà trường dự kiến tuyển dụng tiến sĩ về chuyên ngành thiết kế vi mạch, tuyển dụng những em tốt nghiệp loại giỏi bậc ĐH và mong muốn học tiếp cao học về kỹ thuật điện tử về thiết kế vi mạch, đồng thời phối hợp chuyên gia vi mạch nước ngoài...”

PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Tháng 8/2023, ĐH Bách Khoa Hà Nội có 450 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ khoảng 43 em (chiếm 10%) kỹ sư ra ra làm trong các công ty thiết kế vi mạch, với mức lương trung bình của kỹ sư vi mạch 13 -15 triệu đồng, cá biệt 20 triệu đồng với những bạn xuất sắc. Ông Minh cho rằng, nếu thị trường tăng trưởng, cần phải có động thái thu hút sinh viên tham gia vào ngành vi mạch, bán dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, với ngành chip bán dẫn, hiện chúng ta đã có những đào tạo, nghiên cứu ở tất cả các khâu bao gồm sản xuất, chế tạo, thiết kế. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH như Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM đã được đầu tư một số trang thiết bị, phòng thí nghiệm khá bài bản, có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. ĐH Bách Khoa phối hợp với doanh nghiệp đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Hiện nay, hơn 50 công ty vi mạch hoạt động tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, số này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực. Từ nay tới năm 2030, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao thuộc lĩnh vực này./.