Bạn trẻ khuyết tật và những trái ngọt trên hành trình nghề nghiệp

Năm 4 tuổi, sau một cú ngã, chân tay cô bé Nguyễn Thúy Hằng, quê ở Thái Nguyên cứ thế yếu dần và sau này xe lăn trở thành “đôi chân” đặc biệt của em. Suốt cả một quãng thời gian dài, Hằng luôn sống trong sự mặc cảm, tự ti, nhút nhát, không muốn tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi khi em biết đến Công ty cổ phần Nghị lực sống – Doanh nghiệp xã hội, nơi đã dạy nghề cho em và mang đến cho em một công việc như ngày hôm nay.

Công việc hiện tại của Thúy Hằng là vận hành sàn Shopee, bán văn phòng phẩm Nhật Bản. Để có được việc làm này, em đã học marketing tại Nghị lực sống trong 6 tháng. Ngoài ra, em còn thường tự mày mò tìm hiểu, học cách vận hành sàn Shopee và cách livestream qua Youtube.

Có thể kiếm tiền để tự trang trải, bố mẹ không còn phải lo lắng, “cuộc sống như thế này là hạnh phúc nhất từ trước đến nay của em”, Thúy Hằng thầm biết ơn những người đã giúp đỡ mình và biết ơn bản thân đã dũng cảm vượt lên số phận. Nhìn lại hành trình nghề nghiệp của mình, Hằng thấy không có gì to tát mà điều quan trọng nhất là sự quyết tâm.

“Mọi người hãy cứ mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Tại vì nếu như mình có thể chưa chắc mình đã thành công. Nhưng nếu mình không làm thì chắc chắn là mình sẽ không thành công. Như em tự nhận thấy là em vẫn chưa thành công nhưng mà hiện tại em đã làm được, em đã dũng cảm và bây giờ thì cả bố mẹ em cũng đều rất là vui”, Hằng chia sẻ.

Cũng như Nguyễn Thúy Hằng, Trần Việt Long, một chàng trai trẻ 24 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội không may mắn khi sinh ra đã bị yếu nửa người bên trái, tay co cứng và chân đi tập tễnh. Vượt lên số phận, em đã quyết tâm học công nghệ thông tin tại Nghị lực sống. Sau khi học xong, em làm công việc giải nén dữ liệu trong vòng 2 năm và hiện tại quay trở lại Nghị lực sống với vai trò trợ giảng. Đó cũng chính là nhà, là nơi em được làm việc, được vui được buồn, được mệt mỏi sau những lúc vất vả như bao người bình thường khác.

“Công việc mang lại cho em rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên giúp em cảm thấy là bản thân em không phải là người vô dụng, là một người có ích, có ích với bản thân mình, cũng có thể hỗ trợ gia đình về mặt kinh tế. Ngoài ra em thấy nó là công việc ý nghĩa khi mình có thể giúp đỡ rất nhiều bạn cũng có cùng hoàn cảnh với mình có một công việc ổn định”, Việt Long chia sẻ.

Theo Long, xã hội có thể có sự cảm thông với những người khuyết tật nhưng yêu cầu đối với công việc thì ai cũng như ai. “Quan trọng là bản thân các bạn ấy phải như thế nào để thể hiện là bạn ấy phù hợp với công việc hay không”.

Nỗ lực, quyết tâm, không đầu hàng số phận, trên hành trình nghề nghiệp ấy, những khuyết tật vẫn thu được trái ngọt cho riêng mình.

Hai yếu tố quyết định: Kỹ năng nghề và mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn

Là giáo viên dạy mảng photoshop chỉnh sửa ảnh bất động sản, đồng thời cũng là một người khuyết tật vận động, theo anh Vũ Phong Kỳ, giáo viên tại Công ty cổ phần Nghị lực sống – Doanh nghiệp xã hội, cơ hội việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây khi công nghệ phát triển, những công việc liên quan đến máy tính, liên quan đến công nghệ đã mở ra cơ hội lớn cho người khuyết tật hơn.

Cùng với đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho người khuyết tật và người yếu thế. Điều này giúp cho người khuyết tật có nhiều cơ hội để tiếp cận việc làm và tự xóa bỏ rào cản.

“Ở Nghị lực sống chúng tôi đào tạo cho những bạn khuyết tật vận động là chính. Chúng tôi đi làm thì cạnh tranh sòng phẳng với những người không khuyết tật”, thầy Phong Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, để có thể có được việc làm, người khuyết tật cần phải tiếp cận giáo dục, phải học kỹ năng nghề và chịu khó, cố gắng. Ngoài ra, người khuyết tật phải bước ra khỏi vùng an toàn, phải mạnh dạn đi ra ngoài, mặc dù điều này không hề dễ dàng. Sự tin tưởng của gia đình cũng là điều rất quan trọng. “Không có một bài học gì bằng một bài học thực tế là chúng ta sẽ phải đi ra ngoài. Chúng ta sẽ phải tự học và giao lưu hòa nhập thì từ từ nó sẽ giúp cho mình trau dồi những kỹ năng sống”, thầy Phong Kỳ khẳng định.

Cùng với đó, người khuyết tật cần học cách thích ứng, hòa nhập với cộng đồng, điều này rất quan trọng. Rất nhiều bạn khuyết tật khi được đào tạo xong, có kỹ năng nghề nhưng không thể sống được trong môi trường doanh nghiệp, vì vậy cần phải cố gắng.

Thầy giáo Phong Kỳ cũng cho biết, công nghệ thông tin là một nghề rất phù hợp với người khuyết tật. Ngoài ra, những công việc nhẹ nhàng hay là những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng không cần phải dùng sức như nghề liên quan đến làm làm trang sức, chăm sóc đồ hiệu cũng rất phù hợp.

Việc làm cho người khuyết tật chính là con đường bền vững giúp họ thực sự hòa nhập cộng đồng. Có việc làm, người khuyết tật không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống.

Cùng nghe Hành trình nghề nghiệp cho người khuyết tật: