Năm học 2022-2023, nhiều trường ĐH áp dụng khung học phí mới. Cao nhất ở khối ngành y dược, có trường mức tăng tới 40% so với năm ngoái. Bài toán nào để đảm bảo cơ hội cho người học khi học phí tăng? VOV2 có cuộc trao đổi với TS. Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Giá đang "nóng" có nên ngừng tăng học phí?

PV: Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công lập sẽ có mức học phí tăng cao, đặc biệt ở các trường khối y dược, thậm chí có trường tăng hơn 40% so với năm 2021. Theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào tới người học?

TS. Lê Đông Phương: Khi mức học phí tăng lên sẽ có nhiều học sinh và gia đình cân nhắc kỹ cho con học trường nào vì khi học phí tăng lên mức 20 triệu đối với nhiều gia đình là vượt quá khả năng chi trả. Khi học phí tăng cao hơn mức tăng thu nhập bình quân, cơ hội để học sinh vào học các trường giảm đi tương ứng với khả năng đóng góp của gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng với học sinh thuộc diện hoàn cảnh gia đình không khá giả, con em vùng sâu, vùng xa. Chắc chắn sẽ có sự sụt giảm thí sinh đăng ký vào các trường hàng đầu khi học phí các trường đó tăng nhiều.

PV: Lộ trình, mức tăng học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026 đã có theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ở thời điểm này khi giá cả còn “nóng” và kinh tế mới bắt đầu vực dậy sau đại dịch thì học phí chưa vội tăng. Ý kiến của ông thế nào?

TS. Lê Đông Phương: Đây là vấn đề khó lý giải. Trong 2 năm vừa rồi Bộ GD&ĐT đều có yêu cầu các trường dừng tăng học phí do giãn cách xã hội, thu nhập người dân giảm. Trong khi đó, chi phí của các trường ĐH, kể cả khi dạy học trực tuyến, gần như không giảm, cho nên việc tăng học phí là yêu cầu bắt buộc, nhất là khi mặt bằng giá cả của các nguyên vật liệu, đồ dùng học tập hoặc trang thiết bị dạy học... cũng tăng theo mặt bằng chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Tôi cũng nói chuyện với nhiều cán bộ quản lý của các trường ĐH, họ cũng hiểu câu chuyện đó nhưng nếu không tăng học phí thì cái đầu tiên bị đe dọa là chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở một mức độ nhất định thì mức thu học phí có ảnh hưởng khá lớn đến đảm bảo chất lượng của các chương trình giáo dục ĐH vì giáo dục ĐH phụ thuộc vào các yếu tố mua sắm trên thị trường, thanh toán công lao động của giảng viên, cán bộ phục vụ và các dịch vụ khác liên quan đến nhà trường. Cho nên, nếu chúng ta giữ mức học phí thấp, tối thiểu thì chúng ta chỉ đảm bảo có dạy học nhưng chất lượng đến đâu là điều rất khó.

PV: Vậy tăng học phí có đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục đại học?

Tăng học phí có đi liền với tăng chất lượng hay không cũng là điều đang băn khoăn của nhiều người vì chúng ta chưa có ý niệm rõ ràng về chất lượng.

Có người, đặc biệt đối với những nhóm mà kinh tế không dư dả lắm, chỉ quan tâm đến câu chuyện đủ tiền theo học thôi chứ họ không quan tâm lắm đến chương trình đó hay hơn, chất lượng cao hơn hay không? Hơn nữa, họ cũng không có cách gì để nhìn thấy chất lượng của trường ĐH.

Tôi biết có khá nhiều gia đình đăng ký cho con vào những trường công lập không có tên tuổi miễn trong khuôn khổ tài chính của gia đình, miễn làm sao con có bằng ĐH. Trong khi đó, có những người đặt kỳ vọng cao là bằng ĐH đó có phải là bằng ĐH có chất lượng được nhiều nơi công nhận, tăng cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp. Đôi khi có những gia đình thấy chi phí cao nhưng sẵn sàng đầu tư vì kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp hơn của người học.

Vì vậy, trong xã hội có 2 trào lưu: thứ nhất, nên đảm bảo mức thu học phí thấp để tạo cơ hội cho tất cả học sinh có nguyện vọng vào ĐH; trào lưu thứ 2 là cần phải tăng học phí lên xứng đáng với yêu cầu chất lượng mà xã hội đòi hỏi.

Tuy nhiên ở đây chất lượng xã hội đòi hỏi chưa được hình dung rõ ràng, có những người nghĩ rằng chất lượng cao là phải trong phòng học tốt, trang thiết bị hiện đại, học sinh được sử dụng nhiều phương tiện, điều kiện hỗ trợ tiên tiến như phòng máy tính, thư viện cao cấp nhưng tất cả điều đó đòi hỏi khoản đầu tư lớn, kể cả tăng học phí gấp đôi chưa chắc đã đáp ứng được.

PV: Vậy, có cách nào đó để người học tự đánh giá, hình dung ra chất lượng của trường ĐH mà họ hướng đến có tương xứng với mức học phí bỏ ra?

TS. Lê Đông Phương: Vấn đề này Bộ GD&ĐT cũng có nhiều nỗ lực. Ví dụ như ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Cách đây mấy năm có chuẩn quốc gia về cơ sở giáo dục ĐH, đặt ra yêu cầu một trường ĐH muốn được xem xét đánh giá thì phải đạt ở mức độ như thế nào?

Đây cũng là một cách để xã hội đối chiếu những trường ĐH mà họ mong muốn cho con mình vào học đạt được tiêu chuẩn tối thiểu đó hay không? Đồng thời, hình dung được đồng tiền mà họ bỏ ra có xứng đáng hay không.

Có những trường ĐH được thành lập rất lâu nhưng khả năng tạo nguồn thu của họ không cao, cho nên cơ sở vật chất không đảm bảo, đội ngũ giảng viên cũng không phải tốt lắm. Nếu họ thu phí cao thì người ta cho rằng không xứng đáng với chất lượng người học nhận được. Tuy nhiên, chuẩn đó có quyết định đến sự tồn tại của nhà trường hay không là câu chuyện khác.

Cần đầu tư mạnh vào tín dụng sinh viên

PV: Với việc nhiều trường ĐH đồng loạt tăng học phí, thậm chí có trường tăng hơn 40%, liệu những thí sinh “tiềm năng” có mất đi cơ hội vào trường tốt?

TS. Lê Đông Phương: Chúng ta phải nhìn rộng hơn câu chuyện cơ hội học tập của học sinh phụ thuộc vào khả năng của gia đình. Điều thứ 2 là phụ thuộc vào sự cung ứng dịch vụ giáo dục của nhà trường. Nếu trường hợp 2 khả năng đó vênh nhau người ta sẽ tìm đến một hỗ trợ bên ngoài là các nguồn học bổng, các khoản cho vay.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn học bổng cho học sinh, sinh viên không nhiều. Theo quy định hiện hành, các trường phải trích trong khoản thu của mình một tỉ lệ không cao lắm dành cho học bổng, có nghĩa rằng, số học sinh được hỗ trợ để đạt được nguyện vọng theo học ĐH của mình không nhiều. Trong khi đó, các nguồn học bổng bên ngoài xã hội theo chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước huy động các nguồn đóng góp khác của các lực lượng trong xã hội chưa có nhiều. Hiện, cũng có nguồn học bổng của tư nhân, các tổ chức doanh nghiệp nhưng số lượng học bổng rất hạn hẹp. Thậm chí, có những chương trình học bổng chỉ có 10 suất/năm.

Học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình khó khăn có được nguồn quỹ tín dụng quốc gia dành cho học sinh, sinh viên. Hiện nay chương trình này triển khai khá ổn định trong khoảng 10 năm. Mức cho vay vừa rồi điều chỉnh lên khá cao, tuy nhiên đi kèm rủi ro là câu chuyện liệu học xong người học và gia đình có đủ sức trả khoản nợ cho 4-5 năm ĐH đó hay không?

Trở lại câu chuyện của các trường y, dược do áp lực về tăng cường chất lượng họ tăng học phí cao. Mức học phí tăng cao đó là để bù đắp chi phí cho quá trình thực hành thực tập của ngành y một lĩnh vực đặc biệt. Tuy nhiên, khi tăng cao quá mà không có nguồn học bổng phù hợp mà khoản vay của quỹ tín dụng quốc gia không cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của một số học sinh, sinh viên.

PV: Vậy có giải pháp nào để tháo gỡ mối lo cho người học về học phí tăng? Ông có thể chia sẻ thêm về chính sách tín dụng cho sinh viên như thế nào là phù hợp?

TS. Lê Đông Phương: Tôi nghĩ rằng Nhà nước nên đầu tư vốn thêm cho chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để mở rộng diện có thể vay đóng học phí. Mức tín dụng cao lên thì cơ hội để các em theo học chương trình chất lượng cao (có mức học phí cao) gia tăng. Còn nếu như chỉ dừng lại vài triệu/tháng, tức là khoảng 20-30 triệu/năm đôi khi không đủ đóng học phí.

Theo tôi, chính sách tốt nhất là Nhà nước nên dành một khoản lớn vào chương trình tín dụng thay vì cấp học bổng, thậm chí huy động thêm các ngân hàng thương mại, các tổ chức doanh nghiệp thay vì họ tài trợ và hỗ trợ lẻ tẻ, không định kỳ thì hỗ trợ Chính phủ bằng cách cấp thêm vốn cho chương trình tín dụng học sinh sinh viên. Đặc biệt, phát huy ý nghĩa của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên khi các em vay tiền có ý thức trả nợ, có ý thức trong việc học đúng hạn, nâng cao kết quả học tập để có cơ hội trả nợ.

Quỹ tín dụng tất nhiên sẽ có những rủi ro. Tất cả các quốc gia trên thế giới quỹ tín dụng học sinh, sinh viên luôn có hệ số rủi ro rất cao nhưng đây là điều mà Nhà nước nên chấp nhận, không nên đòi hỏi chặt chẽ như chương trình tín dụng thương mại mà nên chấp nhận dung sai lớn hơn, tức là tỉ lệ người học không thể hoàn khoản nợ có thể được chấp nhận cao hơn thì cơ hội mới tăng lên cho tất cả học sinh, sinh viên./.