Kiểm tra đánh giá trực tuyến- “Đường cày đã quen nhưng còn chưa thẳng”

Với các ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục tăng, huyện Quốc Oai sẽ chưa mở cửa lại trường học vào ngày 8/11 tới đây. Điều này khiến giáo viên THCS Sài Sơn xác định tập trung cho dạy học và kiểm tra trực tuyến. Thầy giáo Nguyễn Đình Cử, phụ trách 2 lớp 8 và một lớp 9 đang tăng tốc ôn tập cho học sinh, đồng thời soạn đề cho kiểm tra giữa kì toàn trường 3 môn vào hai ngày 12 và 13/11 bằng hình thức trực tuyến.

Lớp thầy Cử chủ nhiệm có mặt bằng tương đối đồng đều, chỉ vài trường hợp là con gia đình thuộc hộ cận nghèo nhưng thiết bị học đã đầy đủ. Tuy nhiên, trong toàn trường vẫn còn nhiều trường hợp học sinh không có hoặc dùng chung thiết bị, hoặc phải học bằng điện thoại. Ngoài ra, có những trường hợp gia đình các em không có đường truyền wifi buộc phải mua gói 3G. Điều này gây khó khăn cho quá trình học tập và càng vất vả cho việc tổ chức kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, ở góc độ tổng thể như thầy Cử chia sẻ, đây là lần thứ hai kiểm tra trực tuyến quy mô rộng, thầy cô, học sinh và cả phụ huynh không còn quá ngỡ ngàng.

Theo thầy Cử, dù không còn ngỡ ngàng nhưng hình thức trực tuyến vẫn không thể phản ánh cũng như đảm bảo tính chân thực nếu phụ huynh, học sinh vẫn có tâm lý thích điểm cao. Chuyện người lớn hỗ trợ, thậm chí làm hộ bài rất có thể có. Điều này theo thầy Cử, một giáo viên có kinh nghiệm hoàn toàn đánh giá được dựa vào khả năng học sinh trên lớp, trừ những lớp đầu cấp.

Những phần mềm ngày càng phong phú và tích hợp thêm nhiều chức năng hỗ trợ cho các giáo viên, đặc biệt giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên trong việc kiểm tra đánh giá học sinh. Nhưng với giáo viên văn, theo cô Nguyễn Kim Dung, trường THCS Chu Văn An vẫn vất vả và khó khăn hơn.

“Đặc thù môn Ngữ Văn có phần tự luận buộc học sinh phải viết ra rồi chụp lại gửi giáo viên trên hệ thống. Từ những hình ảnh này, giáo viên sẽ phải căng mắt ra đọc rồi chấm bài.”, cô Dung chia sẻ thêm.

Trường THCS Chu Văn An ngay từ đầu đã có sự đầu tư và triển khai bài bản hệ thống phần mềm quản lý từ ban giám hiệu xuống từng lớp. Việc kiểm tra, đánh giá bởi thế cũng được triển khai đồng bộ ở những phân môn chính. Dạy đồng thời cả môn Địa lý, cô Dung cho rằng giáo viên có cơ hội sáng tạo, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá bằng bài tập cá nhân, bài tập nhóm, sưu tầm... mà không nhất thiết phải trông chờ vào một buổi kiểm tra trực tuyến.

Làm thế nào để đảm bảo công bằng trong kiểm tra trực tuyến?

Theo bà Trần Thị Hương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, Hà Nội, kinh nghiệm từ lần kiểm tra trực tuyến cuối năm học 2020-2021, trang thiết bị đồng bộ cùng sự phối hợp của phụ huynh là những yếu tố quan trọng để tổ chức thành công kiểm tra đánh giá trên quy mô rộng.

Đến thời điểm này, ngành Giáo dục quận Tây Hồ với thuận lợi về điều kiện trang thiết bị, đường truyền, phần mềm thống nhất cùng kinh nghiệm có sẵn đã hoàn thành việc đánh giá giữa kỳ cho khối học sinh THCS.

Dù có kế hoạch sẽ trở lại trường vào ngày 8/11, nhưng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và thay đổi như hiện nay, thị xã Sơn Tây chưa chắc chắn sẽ trở lại học như dự kiến. Nhưng như bà Phan thị Thu Hương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục thị xã đã sẵn sàng phương án cho cả hai trường hợp.

“Nếu có quyết định chính thức, dù phải chuyển đổi hình thức kiểm tra đánh giá thì chúng tôi vẫn ưu tiên để học sinh làm bài trực tiếp. Dù thế nào thì hình thức này cũng hiệu quả và tính chính xác cao hơn”, bà Thu Hương phân tích.

Trường hợp kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức tra trực tuyến, Sơn Tây sẽ có hơn 100 học sinh chưa thể kiểm tra do chưa đủ thiết bị. Về chất lượng kiểm tra trực tuyến, theo bà Thu Hương, nếu căn cứ vào thông tư 09 của Bộ Giáo dục sẽ phải đầy đủ cả thiết bị làm bài và thiết bị quay giám sát. Tuy nhiên, điều kiện này khó có thể đảm bảo khi ngay cả thiết bị học trực tuyến còn thiếu. Để đảm bảo công bằng, chất lượng cho kiểm tra hoặc thi trực tuyến vẫn trông chờ cũng như cần đặt niềm tin vào phụ huynh.

PGS.TS Phạm Thọ Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng sáng lập trang web Học và thi trực tuyến OLM có một số lưu ý trong khâu kỹ thuật nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan cho toàn bộ quá trình kiểm tra, đánh giá giữa kì và còn có thể tiếp tục sử dụng trong trường hợp các địa phương vẫn phải dạy học trực tuyến do dịch bệnh.

Trước tiên, với bài thi trắc nghiệm được máy chấm tự động, phần mềm cho học sinh có mã đề khác nhau, thứ tự các câu hỏi và phương án trả lời được hoán vị ngăn trao đổi đáp án. Với bài thi tự luận, học sinh có thể làm trực tiếp trên máy hoặc làm trên giấy rồi chụp ảnh nộp bài, giáo viên chấm trực tiếp trên máy với các công cụ chấm trực quan giống như chấm trên giấy.

Phần mềm sử dụng cho học sinh làm bài thi phải có chức năng lưu lại mọi thao tác trên máy tính trong quá trình làm bài, tránh mất bài và các rủi ro về đường truyền; kiểm soát được sự trung thực, hạn chế gian lận của học sinh. Phần mềm cũng cần có các tính năng thống kê, báo cáo, trích xuất, lưu trữ bài thi và kết quả kỳ thi thuận tiện và chính xác.

Thông thường phần mềm quản lý thi trực tuyến không có công cụ giám sát học sinh qua camera và mic. Quá trình coi thi, các trường có thể sử dụng ba nền tảng kết hợp với nhau: Phần mềm quản lý thi trực tuyến, phần mềm trông thi, như Zoom, Meet, Teams và phần mềm cho hội đồng thi.

“Không nên đòi hỏi việc đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến giống như trực tiếp.”, PGS.TS Trần Thọ Hoàn nhấn mạnh.

Thi trực tuyến theo thầy Thọ Hoàn, giáo viên nên căn cứ vào quá trình dạy học trước đó để biết năng lực cụ thể của từng học sinh và thường xuyên có những bài kiểm tra nhỏ để đánh giá sự hiểu bài cũng như cho điểm thường xuyên cho các em. Việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá quy mô cấp trường vẫn nên được tổ chức nhằm giúp các nhà quản lý giáo dục đánh giá được tình hình dạy và học giữa các lớp để có những điều chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng dạy học.