Trải qua rồi vẫn chưa hết ... ám ảnh

“Tôi phải nói với con là con ơi phải cố lên, con mà không thi đỗ công lập thì mẹ không biết làm thế nào, vì gia đình không thể cho con học dân lập. Khu vực hai quận Ba Đình- Tây Hồ nhà tôi sinh sống chỉ có 5 trường THPT công lập điểm cao ngất ngưởng. Con tôi chỉ dám đặt nguyện vọng vào trường thật thấp điểm để hi vọng có được chỗ học”- Chị Trần Mai Hạnh, phụ huynh có con vừa qua kỳ thử lửa này nhớ lại khoảng thời gian khó quên đồng hành cùng con trai “vượt vũ môn”.

Chuỗi tháng ngày đầy âu lo, phấp phỏng khi cả bố mẹ vừa phải lo tìm lớp luyện thi, bố trí xếp lịch đưa đón, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho con chị Mai Hạnh cho rằng "khó có thể quên".

Chi phí học thêm, luyện thi chưa bao giờ dưới 5 triệu đồng/tháng, chiếm một phần lớn thu nhập của gia đình. Điều đáng nói theo chị Hạnh, tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các gia đình có con học lớp 9 mà chị quen biết. Và suốt một năm trời vừa qua, các phụ huynh cùng con em mình đã phải chạy đua "trên từng cây" số để kịp di chuyển từ lớp học thêm này đến trung tâm luyện thi nọ để hi vọng vượt qua kỳ thi “khó hơn cả thi đại học”.

Vừa trải qua một năm nhọc nhằn, không đủ thời gian cho những giấc ngủ trọn vẹn, cho những môn thể thao phát triển thể chất, cho những phút giây thư giãn, những đứa trẻ 15 tuổi còn phải đối diện với việc thi trượt được coi như thất bại cay đắng đầu tiên trong đời dù điểm trung bình môn thi là 8, hơn 8, tức là đã ở mức điểm giỏi. Trải qua kỳ thi, những đứa trẻ vẫn chưa thôi "ám ảnh".

"Năm học vừa qua con thấy rất áp lực và lo sợ, càng học càng thấy còn quá nhiều kiến thức cần phải ôn tập. Rồi việc lựa chọ trường để đăng kí trong khi khu vực con thi không có nhiều trường để chọn, điểm chuẩn các trường cũng gần bằng nhau nên cực khó để chọn”.

Thí sinh khu vực Tây Hồ- Ba Đình có tổng điểm 40 vẫn trượt

"Kì thi lớp 10 em trải qua nhiều áp lực: Thứ nhất từ nguyện vọng em đặt cao, thứ 2 đến từ thầy cô khi bài vở nhiều, các bài kiểm tra rất nhiều để thầy cô biết chất lượng của bọn em".

Hoàng Phương, thí sinh đỗ nguyện vọng 1 quận Hoàng Mai.

"Mặc dù kỳ thi đã qua nhưng áp lực thì em vẫn nhớ. Đó là những ngày học quên ăn quên ngủ, học ở trường, ở nhà, rất lo lắng khi thầy cô nói giảm chỉ tiêu ở trường công lập. Điều đó càng khiến em phải cố gắng vì nếu không sẽ không có chỗ học".

Trần Ngọc Mai, thí sinh thi vào lớp 10 khu vực Hoàn Kiếm- Hai Bà Trưng

33.000 học sinh trượt cấp 3 trở thành con số biết nói khi khắp các diễn đàn lớn nhỏ đều nhắc tới. Và hình ảnh phụ huynh Hà Nội xếp hàng dài trước cổng các trường THPT dân lập và công lập tự chủ từ đêm hôm trước ngày tuyển sinh để kiếm một chỗ học cho con em mình thực sự đã khiến mùa tuyển sinh của Thủ đô năm nay nóng hơn bao giờ hết.

Trước yêu cầu của Thủ tướng chính phủ và Bộ GD-ĐT, trong báo cáo, Sở giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài như cho phép hưởng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh, quy hoạch mạng lưới trường, thu hồi đất chậm tiến độ để xây trường...

Tuy nhiên, ngay trong 3 năm tới với số học sinh tốt nghiệp THCS tăng hơn 29.000 em thì cuộc đua giành tấm vé vào cổng trường THPT công lập năm học tới đã bắt đầu ngay từ khi mùa tuyển sinh 2023 chưa kết thúc.

Những đứa trẻ ca 3 ....

Đồng hồ nhích dần đến con số 22h, 22h10… Con ngõ nhỏ trên phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội rất đông xe máy, ô tô đứng xếp hàng. Những cặp mắt đổ dồn vào một tòa nhà cửa chính đóng kín mít, ánh sáng hắt qua những ô cửa từ tầng 2 đến tầng 6, âm thanh giảng bài lâu lâu mới lọt ra ngoài theo bóng dáng giáo viên đến gần một bạn học sinh nào đó ngồi gần cửa sổ. Họ, những phụ huynh nhẫn nại đứng, ngồi, đi lại trong con ngõ nhỏ giữa đêm hè tháng 7/2023 để chờ con tan ca học luyện thi vào lớp 10.

Chị Lê Thanh Thảo, nhà ở Long Biên nhẩm tính, nếu cô giáo toán cho con tan học lúc 10h30, tầm này đường vắng, hai mẹ con phải mất ít nhất 25 - 30 phút mới về được đến nhà. Nhưng vẫn phải cố bởi nếu con không có được chỗ ngồi ở trường công lập năm tới sẽ rất khó cho gia đình.

“Thực ra mình cũng lo về điều kiện kinh tế, học dân lập học phí hơi cao, khó khăn hơn nhiều. Mình cũng cố gắng làm thế nào để con thi vào công lập thì tốt hơn. Cứ cố gắng, động viên các con”, chị Thảo chia sẻ.

Chị Thảo kể năm nay, lứa 2k9 như con chị hầu như không có mùa hè. Các lớp học luyện thi mở ra ngay sau ngày các anh chị 2k8 kết thúc bài thi cuối cùng vào 10. Ban đầu chị cũng dự kiến đến đầu tháng 7 mới để con đi học. Nhưng chờ đến thời điểm đó, các bạn của con đã học được một lượng kiến thức tương đối và những lớp con chị đăng ký theo học sẽ không tổ chức dạy lại. Vậy là hai mẹ con trên từng cây số để vào các lớp học luyện Văn, Toán, Anh. Đến tháng 7, các lớp học của thầy cô đang dạy ở trường cũng bắt đầu triển khai. Thấy bạn của con học nhiều, chị Thảo cũng tính đến phương án tăng buổi học dù khoản kinh phí chi trả cho việc học thêm, học luyện chiếm gần hết nguồn thu nhập. Và vị phụ huynh này không bao giờ nghĩ tới việc chọn trường nghề cho con nếu kết quả thi không được như nguyện vọng.

“Tuổi này mà bảo con học nghề rồi ra làm thấy non non, thôi cố ôn luyện tốt để vào được công lập thì yên tâm hơn. Mình vẫn gây áp lực nhưng cũng có lúc phải giảm giảm chút nếu không căng quá sợ con làm điều dại dột”, giọng chị Thảo hơi chùng xuống.

22h35, cửa cuốn mới kéo lên, những đứa trẻ đang tuổi lớn cao to lộc ngộc, vai mang ba lô túa ra, gương mặt mệt mỏi, trèo vội lên xe bố mẹ chờ sẵn, xe vụt chạy, bóng những thiếu niên vai nặng trĩu sách gù xuống trong cái nóng mùa hè.

Thảo My, con gái chị Thảo bước ra gần sau cùng. Tự cô bé đã xác định được mức độ cạnh tranh khốc liệt để buộc bản thân phải nỗ lực ngay từ bây giờ dù có thời điểm tự thấy rất mệt.

“Năm tới cháu thi chuyển cấp và trường cháu muốn được vào các bạn đăng kí rất đông. Bọn cháu là lớp cuối cùng thi theo sách cũ nên khả năng đề thi ra sẽ khó. Cháu học 3 ca để học kiến thức và làm đề song song. Có mệt nhưng không được bỏ cuộc, phải nỗ lực từ bây giờ. Các bạn phải đua nhau nhiều”, cô bé chưa đầy 15 tuổi kể về hành trình tiến tới mục tiêu có được một chỗ ngồi ở trường công lập.

Chị Nguyễn Ngọc Dung, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội năm tới sẽ đến lượt con trai thứ 2 tham gia kỳ thi vào 10. Kinh nghiệm với con lớn 2 năm trước dường như không còn ý nghĩa khi chị chứng kiến lứa thí sinh 2k8 điểm cao chót vót vẫn trượt như thường. Vả lại lượng thí sinh dự kiến sẽ chỉ tăng mà không giảm trong cuộc chiến vào công lập. Học thêm sớm được chị Dung cũng như nhiều phụ huynh lựa chọn nhằm ứng phó và giải tỏa áp lực cho mùa thi năm tới.

“Ngay từ bây giờ cả gia đình lúc nào cũng như trên chảo lửa, rất lo lắng, không biết con có được 1 suất công lập hay không? Cuối tháng 5, con kết thúc ở trường thì tháng 6 bước vào ôn luyện sớm, mong muốn hết hè là học xong một phần chương trình lớp 9. Bố mẹ thì ngụp lặn hằng ngày để tìm giáo viên dạy tốt và cả lo cho phần chi phí khá lớn, thậm chí 1 môn con có thể học 2,3 nơi vì mỗi nơi một tiêu chí khác nhau. Cho con đi học thêm từ sớm giúp mình cảm giác yên tâm hơn”, người mẹ có con bước vào lớp học cuối cấp THCS tâm sự.

Những áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 khắc nghiệt theo chị Dung còn tước đi cơ hội học tập, khám phá các môn học khác ở cấp THCS khi tất cả tâm sức của thí sinh chỉ dồn vào các môn thi tuyển sinh vào 10.

Lê Nguyễn An Bình, con trai chị Dung đang cố hoàn thành nốt bài tập trước ca học môn Anh buổi chiều chia sẻ, việc cậu không biết vào năm học sẽ còn mệt mỏi, căng thẳng đến mức nào khi hiện tại, đang mùa hè lịch học thêm cùng lượng bài tập dồn ứ “kinh khủng”. Bài học thêm ở trường, ở trung tâm luyện thi lại còn thêm gia sư dạy tại nhà vào các buổi trống lịch. Có những ngày theo Bình, việc của em chỉ là ngồi trên xe bố mẹ di chuyển từ điểm này sang điểm khác, thay đổi sách vở các môn đến 4 lần.

“Như kế hoạch các thầy cô nói thì hết hè là bọn cháu phải tương đối xong kiến thức kỳ 1 để học trước học kỳ 2 lớp 9. Thực sự rất mệt ạ”, An Bình chia sẻ.

Chỉ còn 11 tháng nữa, chỉ còn 10 tháng nữa, chỉ còn 9 tháng nữa… đó là những cách đếm ngược các học sinh khối 8 chuẩn bị lên lớp 9 liên tục được phụ huynh, thầy cô nhắc như một lời thúc giục “cố lên, cố lên, phải thi và phải có được suất học công lập”. Không ít phụ huynh còn đặt mục tiêu cho con em mình: “Thi và đỗ lần này xong, con được tự do, không phải học nữa”. Một kỳ thi mà giống như thời hạn cho “con tin”, vượt qua đi rồi sẽ được tự do.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm sau, với những đứa trẻ lớp 9 lứa 2K9 của Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục cuộc đua khốc liệt. Bởi trong 3 năm tới, Thủ đô dự kiến sẽ tăng thêm 29.000 thí sinh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục Kỳ 2 của loạt bài với chủ đề "Cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội “mỗi năm mỗi nóng” – vì đâu nên nỗi?".