Lúc này, đi làm không chỉ để có thêm thu nhập, trải nghiệm mà sẽ bắt đầu cho việc tách ra, độc lập, tự chủ về tài chính với gia đình, khẳng định bản thân, từng bước trưởng thành. Hoang mang, chấp chới, thách thức, thất bại, thất vọng có khi nào là trạng thái của không ít bạn trẻ.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Vũ Linh vừa được vinh danh trong 100 thủ khoa đầu ra của các trường đại học, học viện; 1 trong 7 Thủ khoa khối ngành sư phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành tích này đem đến cơ hội để thầy giáo trẻ Nguyễn Vũ Linh được kí hợp đồng làm việc tại một trường THPT công lập ở nội thành Hà Nội. Năng lực nghề nghiệp được trường đại học khẳng định được xem như lợi thế lớn để những người trẻ bước chân vào nghề thuận lợi hơn, dễ dàng hơn.
Nhưng từ thực tế công việc, thầy Linh cho rằng riêng với lĩnh vực giáo dục hướng tới đối tượng là con người gồm cả nhân cách và tri thức nên bản thân người thầy phải rèn luyện, học tập nghiêm túc không ngừng từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Những thành tích đạt được hay tấm bằng hạng ưu chỉ có thể xem như tiền đề thuận lợi cho một bạn trẻ ứng tuyển vào vị trí tuyển dụng.
“Như các nhân tôi khi thực dạy tại trường THPT tôi mới nhận thấy các bạn học sinh càng ngày càng giỏi. Nếu bản thân mình không tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa sẽ khó lòng đáp ứng yêu cầu công việc làm giáo viên”, thầy Linh khẳng định.
Từ kinh nghiệm bản thân cũng như trao đổi giữa các thủ khoa Hà Nội vinh danh đợt này, thầy giáo trẻ khẳng định thời điểm trước khi tốt nghiệp, dù việc học cùng các hoạt động liên quan đến học tập được đặt lên hàng đầu vẫn cần cân bằng để có thể rèn luyện thêm những kĩ năng khác tại các CLB, các dự án xã hội, các hoạt động đoàn hội…
Với chuyên môn tốt, với nhiều kĩ năng tự trang bị, khi thực sự bước chân vào thị trường lao động, các bạn vẫn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức. Ví dụ như công việc của một giáo viên không chỉ chuẩn bị bài giảng thật kĩ, thật vững vàng, sẵn sàng ứng phó với rất nhiều tình huống, đặc biệt khi học sinh ngày một thông minh lại có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Chỉ cần “non tay” xử lí tình huống sư phạm không thấu đáo sẽ khó có cơ hội nhận được tình cảm từ học sinh hay sẽ "mất điểm" trong nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc xử lí các mối quan hệ xã hội, các tình huống giao tiếp vô cùng mới mẻ như với lãnh đạo, với đồng nghiệp hơn tuổi…cũng đặt ra và gây khó cho người trẻ mới bắt đầu hành trình nghề nghiệp.
“Kết nối và kiềm chế cảm xúc là hai vấn đề cực kì khó với tất cả sinh viên trẻ mới ra trường. Ngoài ra không phải đi làm, bạn chỉ tập trung vào chuyên môn, sẽ còn vô cùng nhiều việc khác bạn được giao và phải kiêm nhiệm, phải giải quyết”, thầy Vũ Linh nhấn mạnh.
Riêng câu chuyện phải cùng lúc “gánh” nhiều phần việc khác nhau, thầy Vũ Linh cho rằng đây vừa được xem như thách thức khi bạn vừa ra trường, chưa thực sự thạo việc, phải làm thêm nhiều phần việc khác. Tuy nhiên, rất có thể những công việc được giao thêm sẽ giống như cơ hội tốt giúp nhà tuyển dụng đánh giá người lao động có thể làm được những gì ngoài những chuyên môn đã được đào tạo trong nhà trường. Khi cùng lúc cáng đáng được nhiều phần việc chứng tỏ bản thân người lao động có năng lực tốt. Xu hướng hiện đại yêu cầu sự ứng biến, linh hoạt thay vì chỉ chăm chăm làm một chuyên môn.
Nhưng cũng theo thầy Vũ Linh, đôi khi việc giao cùng lúc quá nhiều việc khác nhau cho các lao động trẻ lại như hành động “làm khó”.
Nhiều bạn trẻ khi bị giao nhiều việc luôn cố gắng ôm hết, cáng đáng hết. Dù nhiều bạn có thể tự mình giải quyết được tất cả, nhưng hiệu quả có khi chỉ ở mức đạt và hiệu suất không cao. Các bạn trẻ phải biết trong rất nhiều những nhiệm vụ được giao, việc nào có thể làm và làm tốt. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Bởi lẽ mỗi người lao động chỉ giống như một mắt xích, một phần trong tập thể những người lao động. Tuy nhiên, việc từ chối những công việc không phù hợp theo thầy Vũ Linh cũng cần một sự khéo léo khi trình bày với lãnh đạo nhằm nhận được sự cảm thông, hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn cho những lần sau đó.
“Sẵn sàng học hỏi, một tinh thần cầu tiến, cầu thị, biết lắng nghe. Sau tất cả thì cần thực hành ngay. Đó là những từ khóa, những kinh nghiệm mà bản thân tôi đã áp dụng và có được những thành công ban đầu trong học tập và làm việc”, thầy Linh chia sẻ thêm.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 cùng thầy giáo trẻ Nguyễn Vũ Linh: