Hiểu rõ về bản thân càng sớm càng tốt

Theo Th.s Phùng Năm, việc hiểu rõ về bản thân mình rất quan trọng. “Có hiểu có thương”, nếu hiểu rõ mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào, mình cần cái gì thì mới biết cách thay đổi, hoàn thiện. Hành trình “sửa mình” giúp bạn có được sự tự tin và khỏe mạnh về mặt tinh thần.

Với các bạn học sinh cấp 2, cấp 3, việc hiểu rõ về bản thân còn giúp các em thuận lợi hơn trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp. Cứ học giỏi sẽ thi Y hoặc Kinh tế, điều này không hẳn đúng. “Chọn được một công việc phù hợp, yêu thích để làm 8 - 12 tiếng một ngày rất quan trọng”.

Từ quan sát thực tế, Theo Th.s Phùng Năm, đến độ tuổi cấp 2, cấp 3, các em đã có những trải nghiệm hiểu biết nhất định về bản thân như sở thích của mình là gì, mình thích chơi với các bạn có tính cách như thế nào, mình có điểm mạnh nào, năng lực học tập của mình đến đâu, mình ghét cái gì, mình dở ở đâu… Nhưng ở tuổi này, các em còn ít trải nghiệm, tuổi đời còn nhỏ nên việc hiểu mình chắc chắn chưa đầy đủ.

Trải nghiệm - cơ hội “vàng” giúp bạn hiểu về mình

Hiểu bản thân là một hành trình dài, không phải ngày một ngày hai. Hiện nay, ở nhiều trường có môn học Giá trị sống, Kỹ năng sống, học về kỹ năng tự nhận thức… Đây là cơ hội tốt giúp các em học sinh khám phá và thấu hiểu về bản thân mình.

Bên cạnh đó, các em có thể khám phá bản thân qua việc đọc sách, qua nhận xét của bạn bè, thầy cô, qua những hoạt động ở lớp, ở trường. “Em thấy hứng thú với những hoạt động nào? Thông qua việc đặt ra câu hỏi và trả lời cũng là cách giúp các em hiểu về bản thân”.

Th.s Phùng Năm đưa ra một ví dụ, trong một câu lạc bộ có rất nhiều vị trí khác nhau như hậu cần, nội dung, truyền thông… Nếu tham gia câu lạc bộ, qua quá trình quan sát và tự trải nghiệm, bạn sẽ hiểu hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

Với những bạn hướng nội, không thích tham gia hoạt động đông người, có thể đọc sách, làm thêm những trắc nghiệm hoặc có thể chọn ra cho mình những nhóm nhỏ mà bạn cảm thấy thoải mái để tương tác, “mặc dù ít nhưng lại chất lượng đủ để bạn vẫn có không gian để khám phá về mình”. Tham gia hoạt động là một cách nhưng không phải là cách duy nhất để bạn hiểu mình, còn có rất nhiều cách để trải nghiệm.

Hãy cân bằng giữa “trải” và “nghiệm”

Trải tức là hướng ra bên ngoài, tham gia nhiều hoạt động, làm các test, đọc sách, trò chuyện với bạn bè, nhận góp ý... Và “nghiệm” là dành thời gian chất lượng để tự mình chiêm nghiệm lại, để hiểu mình, để nhận ra cái hay cái dở để sửa chữa.

Nếu như bạn cứ tham gia nhưng không tự nhìn nhận, đánh giá lại thì những gì thu được sẽ không sâu sắc. Có thể bạn từng nghĩ mình là người không có năng lực lãnh đạo, nhưng sau một quá trình trải qua rất nhiều hoạt động, bạn nhận ra mình rất có khả năng lãnh đạo, phải có những khoảng thời gian chiêm nghiệm thì mình mới chắc chắn những điều đó về mình.

Trải nghiệm luôn cần thiết với mọi người, dù là ở lứa tuổi nào. Đừng bao giờ suy nghĩ rằng, mình còn trẻ, mình còn nhiều thời gian mà từ đó đánh mất đi cơ hội để hoàn thiện bản thân. Những người có nhiều trải nghiệm, đặc biệt ngay từ khi còn trẻ thường dễ dàng đạt được thành công hơn.