Từ năm học 2021 – 2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông mới) chính thức triển khai dạy đại trà đối với lớp 6. Hai môn học tích hợp gồm Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý bắt đầu được đưa vào giảng dạy.

Tích hợp – một giáo viên dạy 3 môn hay 3 giáo viên dạy một trò?

Chuẩn bị cho dạy tích hợp lớp 6 trong năm học tới, đến thời điểm này, các giáo viên bậc THCS như cô Tạ Thị Thảo Hiền đã được tiếp cận với 3 bộ SGK mới bản mềm. Với Khoa học tự nhiên, lần đầu tiên kiến thức Hóa học được đưa vào giảng dạy ở lớp 6. Cô Thảo Hiền đánh giá, việc tích hợp liên môn sẽ giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở các bộ môn đơn lẻ như chương trình hiện hành.

Trong chương trình hiện hành, nhiều kiến thức có ở môn Hóa rồi nhưng vẫn bị lặp lại ở cả Vật lý và Sinh học. Do đó, khi tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào Khoa học tự nhiên thì sẽ tránh được sự trùng lặp. Có những vấn đề thực tiễn chỉ được giải quyết khi kết hợp kiến thức của cả 3 môn. Vì vậy, dạy học tích hợp là sự thay đổi có lợi cho học sinh.

Tuy nhiên, việc dạy tích hợp cũng sẽ là thách thức không nhỏ với các giáo viên trong thời gian tới. Bởi theo cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giáo viên hiện nay phần lớn được đào tạo để dạy đơn môn. Khi dạy tích hợp, dạy môn của mình đã đành còn những môn khác dạy như thế nào? Phương pháp dạy học của kiến thức liên môn có đặc thù riêng. Đồ dùng dạy học trước đây của từng môn học giờ đây đưa vào kiến thức liên môn thì phải khai thác thế nào để phát huy hiệu quả?

Được phân công giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên trong năm tới, cô Đỗ Thị Lan Anh, giáo viên Hóa – Sinh, trường THCS Nguyễn Du có chút lo lắng bởi ở trường Sư phạm cô chỉ được đào tạo chuyên môn sâu về Hóa – Sinh nên cô sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho môn thứ 3 là Vật lý. “Cùng với việc được tham gia tập huấn, tôi cũng dành thời gian riêng để tìm hiểu về môn Vật lý, không hiểu thì trao đổi trực tiếp với các giáo viên trong tổ chuyên môn. Sau giờ lên lớp, nếu có băn khoăn thì trao đổi với các giáo viên Vật lý. Để đáp ứng được chương trình mới, giáo viên phải dành khung thời gian kế hoạch để tìm tòi nhiều”, cô Lan Anh cho hay.

Ngược lại, là giáo viên Vật lý, cô Lê Thị Luyến đang dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn 2 môn Hóa, Sinh. Theo cô Luyến, kiến thức lớp 6 trong chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ dừng ở mức độ nhận biết, trình bày, thông hiểu, chưa cần vận dụng cao hay kỹ năng tính toán nên giáo viên có thể đáp ứng được.

Cô Luyến cho biết, các tác giả SGK mới đã phổ biến về chương trình tích hợp môn Lý – Hóa - Sinh xen kẽ nhau theo các chủ đề chứ chưa nói dạy như thế nào, một cô dạy hay phân phối chương trình ra sao?

"Tôi nghe có nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên môn Sinh thì vẫn dạy Sinh, Lý thì dạy Lý. Không biết năm sau sách mới, các cô dạy đơn môn hay một cô dạy hết. Bởi vì, sách mới là tích hợp, tuy nhiên thành phần Lý - Hóa -Sinh theo từng chương một, vẫn có cái riêng”, cô Luyến băn khoăn và mong muốn có hướng dẫn cụ thể về cách dạy tích hợp.

Trong khi đó, sau các đợt tập huấn, tiếp cận với SGK mới bản mềm, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Lịch sử - Địa lý là phối hợp chứ không tích hợp. Trong SGK, Lịch sử và Địa lý là 2 phần hoàn toàn khác nhau, giáo viên có sự phối hợp với nhau, nhưng vẫn độc lập về mặt chuyên môn".

Khó triển khai ở các lớp trên?

Theo cô Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm, nhà trường đã tổ chức dạy học tích hợp liên môn ở một số chủ đề, chủ điểm trong chương trình hiện hành. Tuy nhiên trong chương trình mới, việc dạy học tích hợp đã trở thành thường xuyên.

"Mặt tích cực của dạy tích hợp liên môn là giúp giáo viên tạo ra thói quen làm việc nhóm. Trước đây giáo viên làm việc độc lập, giáo viên chỉ biết được kiến thức môn của mình nhưng bây giờ khi dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên phải liên kết với nhau, làm việc nhóm, hỗ trợ nhau xây dựng bài học", - cô Yến cho biết.

Nói là tích hợp trong bộ sách nhưng kiến thức thuộc các mảng các môn khác nhau, thuộc môn nào thì giáo viên vào giảng dạy mảng kiến thức đó. Khi các cô vào dạy và đã có sự bàn bạc phối hợp, ví dụ như trong Khoa học tự nhiên, bài học chính là Lý nhưng có kiến thức Hóa, Sinh thì giáo viên đã phải trao đổi trước để khi dạy làm rõ vấn đề. Điều đó sẽ giúp học sinh có sự tổng hợp, khái quát, mở rộng. Việc dạy học tích hợp liên môn giúp HS mở rộng kiến thức, từ kiến thức này soi tỏ kiến thức khác.

Trao đổi với phóng viên VOV2, cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị cho dạy tích hợp từ rất lâu.

Với Khoa học tự nhiên, qua tập huấn, các giáo viên nhận định, kiến thức chương trình lớp 6 không quá khó, mới ở phần mô tả, các kỹ năng thực hành cũng không phức tạp. Thầy cô đầu tư thời gian, xây dựng kế hoạch dạy học dựa trên nền tảng SGK và chương trình. Do đó, giáo viên có thể dạy được 3 môn Lý – Hóa – Sinh ở bộ môn Khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, bước sang lớp 7-8-9 kiến thức bắt đầu khó, đặc biệt lớp 8-9. “Một thầy cô không thể dạy được 3 môn", cô Lý khẳng định.

Cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm cho biết, hiện nay chưa có bộ sách của các lớp kế tiếp nên chưa hình dung hết độ khó từng môn ở mức độ nào, nói tích hợp nhưng kiến thức của môn nào thì các thầy cô vẫn đảm bảo kiến thức phần đó, còn phần tích hợp chỉ làm rõ, hỗ trợ thêm kiến thức của bộ môn chính.

Trước mắt, với lớp 6 năm học tới, với lượng kiến thức đó, giáo viên có thể đáp ứng được nhưng về lâu dài để có chất lượng cao, chúng tôi vẫn mong muốn có đội ngũ giáo viên mới được đào tạo dạy tích hợp bài bản từ các trường sư phạm, cô Yến nói.

Thời khóa biểu thay đổi liên tục

Một trong những thách thức đối với các trường THCS khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là bài toán sắp xếp thời khóa biểu và bố trí nhân sự.

Nếu như trước đây, thời khóa biểu có sự ổn định, thông thường sẽ thay đổi sau mỗi học kỳ hoặc mỗi lần có sự thay đổi nhân sự. Tuy nhiên, với việc triển khai dạy học tích hợp, nhiều giáo viên cho rằng thời khóa biểu sẽ phải điều chỉnh liên tục. Đặc biệt, trong năm học tới khi khối 6 đã bắt đầu triển khai chương trình, SGK mới, trong khi các khối lớp trên vẫn học SGK cũ.

Theo cô Hoàng Thị Yến (Trường THCS Nam Từ Liêm), hiện nay đội ngũ giáo viên của nhà trường có người dạy cả 4 khối, ít nhất dạy 2 khối chứ hiếm giáo viên nào chỉ dạy 1 khối. Do vậy, khó khăn cho các trường là phải sắp xếp hài hòa đội ngũ giáo viên dạy được cả chương trình cũ, vừa đáp ứng dạy chương trình mới, thời khóa biểu sẽ không còn ổn định mà sẽ là thời khóa biểu mở.