PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Hiện tại ĐH Bách khoa Hà Nội đang hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2024, dự kiến sẽ công bố trong quý I năm 2024. Tuy nhiên, có thể khẳng định về cơ bản ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) và xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi ĐGTD sẽ tăng nhẹ.
Theo ông Điền, sau thời gian chuẩn bị, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi ĐGTD sẽ giữ ổn định trong các năm tới. Theo đó, bài thi gồm 3 phần thi, Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi thi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra kiến thức của môn học nào. Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động theo thẻ Căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử.
Trong năm 2024, ĐH BKHN sẽ tổ chức 6 đợt thi vào các ngày cuối tuần , mỗi đợt có 18 điểm thi tại Hà Nội và 8 tỉnh thành phố gồm: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa và Đà Nẵng. Đợt 01 của Kỳ thi Đánh giá tư duy đã diễn ra vào ngày Chủ Nhật, 03/12/2023 với sự tham gia của gần 3.000 thí sinh, chia thành 107 phòng thi tại 16 điểm thi ở 8 tỉnh, thành phố. Với 6 đợt thi, Kỳ thi ĐGTD của ĐHBK Hà Nội có thể đáp ứng cho khoảng 30.000 lượt thi.
Nhắn gửi của PGS.TS Nguyễn Phong Điền đến các em thí sinh 2K6: Trước mắt các em tập trung cho việc hoàn thành chương trình học THPT cho thật tốt. Sau đó nên lựa chọn đăng ký tham gia bài thi ĐGTD phù hợp với điều kiện của mình để có được cơ hội tốt nhất khi đăng ký xét tuyển đại học, đặc biệt khi đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo có độ cạnh tranh cao của Bách khoa. Bên cạnh đó các em cũng nên trải nghiệm và làm quen với bài thi sớm, từ đó cũng có thể tự đánh giá được điểm mạnh, điểm chưa mạnh của bản thân đối với mỗi phần thi để có kế hoạch cải thiện năng lực tư duy của mình.