Trước phản ánh của dư luận về nhiều đề tài không xứng tầm một luận án tiến sĩ, PGS.TS Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương cho biết, cần phải đọc đầy đủ nội dung luận án, đánh giá xem những đóng góp cụ thể gì về lý luận và thực tiễn thì mới khẳng định chính xác đề tài đó có xứng tầm một luận án tiến sĩ hay không?
Bởi một luận án tiến sĩ phải đảm bảo hai yếu tố: Có giá trị gì về mặt lý luận và phục vụ được gì cho đời sống thực tiễn.
Tuy nhiên, nhìn vào tên hàng loạt đề tài luận án tiến sĩ, ông Bùi Xuân Đính nhận thấy, nhiều tên đề tài na ná giống nhau với một mô típ chung chung mà có thể thay thế bằng địa phương này, địa phương khác. Trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học của mình, ông cho biết cũng tồn tại hiện tượng này.
“Ví dụ, tri thức địa phương về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên của người Tày ở địa phương A. Đề tài này có thể thay thế bằng tộc người B, tộc người C ở địa phương B, địa phương C, nó cứ na ná như nhau như vậy. Nếu nghiên cứu sinh lười suy nghĩ, rập khuôn, sao chép như vậy sẽ rất nguy hiểm vì không có giá trị gì mặt lý luận và thực tiễn. Tôi cương quyết không bao giờ để nghiên cứu sinh làm những luận án tiến sĩ như thế!”, PGS.TS Bùi Xuân Đính bức xúc.
Theo ông Đính, một luận án tiến sĩ khi được bảo vệ thành công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nhiều bước, từ bảo vệ chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, phản biện độc lập và cuối cùng bảo vệ tại hội đồng chính thức.
“Có một thực tế ở nhiều hội đồng, người ta đã loại khỏi những giảng viên, cán bộ nghiên cứu có tính khắt khe ra khỏi hội đồng và mời những thành viên dễ dãi vào trong cuộc để nghiên cứu sinh đỡ phải sửa chữa, không mất thời gian, không căng thẳng…”, ông Đính nêu thực tế.
Trong quá trình tham gia phản biện luận án tiến sĩ, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, ông từng đánh đổ một chuyên đề của nghiên cứu sinh vì không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra năm 2017 ông được Bộ GD-ĐT mời thẩm định một luận án tiến sĩ. Ông có ghi ý kiến cuối cùng theo mẫu là: “Luận án không đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ vì có rất nhiều lỗi nghiêm trọng như chép của nhiều người khác với dung lượng trang không phải là ít, nhưng không trích dẫn; Nội dung các chương không phù hợp và không phản ánh được mục đích và yêu cầu đặt ra; Phần chính của luận án chiếm dung lượng rất khiêm tốn; Luận án không có những đóng góp mới đối với chuyên ngành; Trình bày sai quy cách, nhiều lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật…" Cuối bản nhận xét, ông còn ghi thêm lời đề nghị xem lại trách nhiệm của các hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và cấp chính thức, nhất là của những người phản biện, đặc biệt là người phản biện độc lập…
Tuy nhiên, sau lần phản biện này, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, ông không được mời tham gia phản biện nữa.
Là một nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực dân tộc học, PGS.TS Bùi Xuân Đính kiến nghị cần chấm dứt những đề tài luận án tiến sĩ theo kiểu “nhân bản”, na ná giống nhau, kém chất lượng mà không có bất kỳ đóng góp nào về mặt lý luận, thực tiễn. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn sẽ rất nguy hiểm cho nền giáo dục-đào tạo, nền khoa học công nghệ của đất nước; Đào tạo ra một lớp người mang học vị tiến sĩ nhưng không xứng tầm.
Nguy hại hơn, những “tiến sĩ” này sẽ tiếp tục hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc lãnh đạo một lĩnh vực của cuộc sống, xã hội; Tham gia đào tạo thế hệ kế cận cũng không có thực tài, không có đạo đức khoa học.
Để đảm bảo sự liêm chính trong khoa học, ông Đính đề nghị cần phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ hướng dẫn luận án tiến sĩ. Tiếp đó là trách nhiệm của các hội đồng, không được phép dễ dãi, bỏ lọt, cho qua những luận án tiến sĩ kém chất lượng.
Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao có yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo sau đại học xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành; kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín.
Thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong quy trình đào tạo.
Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học; thực hiện liên kết đào tạo sau đại học với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ: quy trình lựa chọn đề tài và hướng nghiên cứu; tiêu chuẩn và điều kiện của người hướng dẫn, phản biện độc lập, các thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án; trách nhiệm của các nhà khoa học có liên quan đối với chất lượng của luận văn, luận án; việc công bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn, luận án trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra chất lượng luận văn, luận án
Bộ GD-ĐT lên tiếng về chất lượng đào tạo tiến sĩ
Mua bằng giả để làm tiến sĩ là một hình thức tham nhũng trong học thuật