Công việc của những người làm sáng tạo, một lĩnh vực không chiếm số đông trong thị trường lao động bởi những yêu cầu và đặc thù rất riêng. Cần khẳng định, sáng tạo được xem như yếu tố có ở tất cả các lĩnh vực các ngành nghề. Nhưng đây được coi như yếu tố đặc thù của lĩnh vực lao động văn hóa, nghệ thuật. Thiết kế thời trang nằm trong số đó.
Trở thành nhà thiết kế từ chính nhu cầu cuộc sống
Chiều cuối thu đầu đông, hay nói như lời một bài hát “thu rất thật thu”, hơi lạnh len nhẹ giữa không gian như bị ngăn lại khi người ta bước vào quán café thơm ấm ở góc phố Hàng Cót, đoạn giao giữa rất nhiều phố hàng, đậm đặc không gian của một Hà Nội xưa cũ. NTK Nguyễn Tiến Lợi đã ngồi ở đó, trẻ hơn nhiều độ tuổi của lứa 7X đời đầu. Quán café xinh xắn này được chính anh tạo dựng từ không gian cũ của đại gia đình, như một nơi gặp gỡ của những người muốn tìm lại những góc nhỏ của Hà Nội trong kí ức, ở đó có những dấu ấn tuổi thơ của lũ trẻ ở phố sau buổi học tự rong chơi, tự khám phá cuộc sống và tự tìm đường đi cho bản thân.
Sinh ra ở phố cổ, người anh cả sinh năm 1948, Tiến Lợi sinh năm 1972, khoảng cách 24 năm giữa 11 người anh em và lại trong giai đoạn đất nước chuyển mình từ chiến tranh sang hòa bình, từ đổ nát dựng xây lại. Bố mẹ anh khi ấy chỉ xoay xỏa đủ nuôi con đã là một sự cố gắng lớn. Và nói như NTK Tiến Lợi, thực ra chính điều này theo một cách nào đó tạo nên những đứa trẻ với tuổi thơ hạnh phúc khi được tự trải nghiệm, tự khám phá cuộc sống mà không bắt gặp bất kì một sự ngăn cản, cấm đoán nào. Cậu bé Tiến Lợi khi ấy mê vẽ, 7 tuổi đã tự lên tàu điện từ chợ Đồng Xuân đến Cung thiếu nhi học nghệ thuật.
Bước vào tuổi thanh niên, trải qua tuổi thơ khó khăn nhưng tự do và nhiều trải nghiệm, tham gia nhóm nhảy cổ điển trở thành công việc đầu tiên giúp chàng thanh niên Tiến Lợi kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thời điểm trang phục biểu diễn chưa có sẵn, một thành viên trong nhóm vốn làm nghề may tự dựng đồ diễn cho anh em. Những bước nhảy, những cú xoay hay vẩy tay điệu nghệ bị hạn chế bởi chính bộ đồ thoạt nhìn điệu đà, kiểu cách đặt ra yêu cầu thay đổi. Và chính chàng trai Tiến Lợi khi ấy phát hiện, chỉ ra cũng đồng thời tự sửa chữa, thay đổi, dù bản thân chưa một ngày học và làm nghề may.
“Lúc nhảy múa, cử động bị hạn chế, bản thân thấy khó chịu, mình mới bảo các anh để em xử lí lại, cái này phải nâng lên, phần kia hạ xuống mới có thể giúp tay chân di chuyển thuận lợi, uyển chuyển phô diễn đường nét khi biểu diễn. Những năm 85,86 chưa có mấy người người đi nhảy, ai có quần áo gì đẹp là mặc thôi, thợ may có nhìn thấy gì trước để hình dung mà may. Mình cứ làm theo cảm nhận thực khi mặc đồ biểu lên biểu diễn thôi”, NTK Tiến Lợi kể.
Đỗ vào đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngay trong năm thi đầu tiên, bị phân vào học ngành tạo dáng, thiết kế thủy tinh pha lê, ngành học như lời anh Lợi “không một ai chọn học”. Nhưng chàng trai trẻ khi ấy vẫn tiếp tục học, tiếp tục tham gia nhảy kiếm tiền và tự may trang phục cho cả nhóm. Chính những trang phục này với người thiết kế kiêm người mẫu mặc đã khiến lượng khách ngay trong giới nhảy của nhà may trên phố An Dương đông hơn, thu nhập tốt hơn. Cho đến một ngày, anh quyết định chọn con đường riêng cho mình.
Chuyến vào Nam học nghề may cũng đơn giản như hồi chú bé Tiến Lợi lên tàu điện ở Hà Nội lên cung thiếu nhi học vẽ, học trống. May mắn được học ở một trong những nhà may có tiếng nhất Sài Gòn, linh cảm nghề nghiệp từ những tháng năm làm nghề tay ngang ở hiệu may cho nhóm nhảy cộng với dấu ấn, với những dấu ấn tuổi thơ đã làm nên một NTK Tiến Lợi với nét riêng có.
Chất phố ngấm từ cuộc sống, từ trải nghiệm thực tế và cả bầu không khí gia đình, lối sống tạo nguồn cho những sáng tạo chảy tràn trên những thiết kế. Một chiếc lá rơi, một bóng nắng đổ trên mặt đất cũng đủ để bộ sưu tập “Thềm hoa” hoàn thiện từ mẫu thiết kế, tên gọi đầy chất thơ và đầy chất mơ ra đời
Lập nghiệp ở phương Nam, đi đi về về Hà Nội giống như những quãng nạp lại năng lượng, nạp lại những sáng tạo bị mờ đi bởi áp lực công việc, áp lực cuộc sống, NTK Tiến Lợi tạo dựng được thương hiệu, được không gian riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, đô thị đem đến cơ hội phát triển nghề sáng tạo bật nhất cả nước. Nhưng rồi Tiến Lợi đóng lại tất cả, trở về Hà Nội. Về hẳn. Để báo hiếu. Để chăm sóc mẹ già những năm tháng cuối cuộc đời.
Sau một năm dứt tang mẹ, anh trở lại với công việc trong một tâm thế mới, tự tại và thanh thản, khép mình nhưng rộng mở tâm hồn và xúc cảm, bình yên sáng tạo trong thế giới riêng, tránh xa những bon chen, những thị phi dù thời trang bên cạnh xu hướng, cạnh sự sáng tạo và cái đẹp lại đồng thời là thế giới của những hào quang, của sự cạnh tranh và cả chiêu trò. Và trong tâm thế ấy, Tiến Lợi đón nhận những đổi thay từ cuộc sống để những thiết kế mang hơi thở đương đại.
“AI có thế mạnh về tổng hợp nhưng thời trang là sự cá thế hóa trên từng sản phẩm”
Thuộc thế hệ đầu 7X, như lời chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp Trần Sĩ Chương, NTK thời trang Nguyễn Tiến Lợi có thuận lợi khi thuộc vào “thế hệ vàng của Việt Nam” khi bản thân trải qua giai đoạn chuyển mình đầy khó khăn của đất nước, có ý chí vượt khó mạnh mẽ và đặc biệt khi không khí xây dựng, đổi thay và phát triển của nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. NTK Tiến Lợi bởi thế trong lĩnh vực thời trang trở thành “cánh chim đầu đàn”. Thế nhưng sự phát triển nhiều khi không theo đường thẳng, không thuận chiều để có thể thẳng tiến. Những ngả rẽ bất ngờ và đột ngột đôi khi buộc người làm nghề như Tiến Lợi sẽ có lúc phải định vị lại bản thân. Sự xuất hiện của công nghệ AI có thể xem như một thách thức mới đặt ra.
“Nếu nhìn một cách bề nổi bên ngoài thì đúng thật khi AI ra đời sẽ ảnh hưởng tới các ngành nghề, lĩnh vực sáng tạo cũng nằm trong số đó. Nhưng ở góc chuyên sâu thì thời trang ngoài mặt thể hiện trên bản vẽ, bản thiết kế phải có sản phẩm. Mà sản phẩm AI tức là phần thể hiện vẫn cần độ tinh xảo của bàn tay con người nhưng không theo kiểu đồng loạt, ồ ạt. Những thứ thuộc về bản vẽ, AI có thể hỗ trợ đắc lực và hiệu quả”, NTK Nguyễn Tiến Lợi phân tích.
NTK Tiến Lợi có cơ sở để tự tin vì bản thân anh là người nắm bắt xu hướng và với hơn 30 năm kinh nghiệm, AI chỉ thêm phần hỗ trợ cho công việc. Những người vẽ mẫu và công việc này có thể sẽ không còn nữa. Nhưng sáng tạo ở đây không thể thay thế bởi mang dấu ấn cá nhân. Nhìn vào mẫu trên sân khấu, trên tạp chí hoặc các kênh truyền hình, có thể chưa cần giới thiệu, những người đam mê hoặc trong giới thời trang đã có thể biết tên chủ nhân thiết kế và làm nên những bộ sưu tập thời trang này.
Cùng với đó, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, thiết kết thời trang là 1 trong 12 ngành sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế sẽ tạo khoảng không gian rộng mở để những người làm nghề nhiều kinh nghiệm và cũng luôn tự định hình bản thân như Tiến Lợi tiếp tục tỏa sáng.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: