Chính thức tham gia Olympic Toán học quốc tế (IMO) vào năm 1974, từ đó đến nay, lịch sử IMO ghi nhận Việt Nam có 14 nữ thí sinh đoạt huy chương ở đấu trường danh tiếng này.

Nữ thí sinh Việt Nam đầu tiên tham dự IMO năm 1975 (IMO 17) tại Bungaria là ThS. Phan Vũ Diễm Hằng, cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội. Bà là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giai đoạn 1955 - 1973. Với thành tích 24/40 điểm, Phan Vũ Diễm Hằng giành HCĐ.

Bà là nữ sinh Việt Nam đầu tiên tham gia IMO và cũng là nữ sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương tại IMO.

Sau khi đạt giải Olympic toán năm 1975, bà được học bổng du học ở Liên bang Nga, tại MGU. Ra trường bà về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư 16 năm. Năm 1997, bà xin ra ngoài làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, sau đó làm việc cho nhiều chương trình, dự án của các tổ chức NGO khác và hiện đã nghỉ hưu.

Thí sinh nữ thứ 2 tham dự IMO là TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa, học sinh trường THPT chuyên khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) dự thi IMO 18, năm 1976 tại Áo. Với thành tích 27/40 điểm, chị giành HCB. Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam năm đó. TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa cũng là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương bạc tại IMO. Bà lấy bằng Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) và hiện là giáo sư ĐH tại Mỹ.

Người thứ 3 giành huy chương IMO là Nguyễn Thị Minh Hà, học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Chị tham gia IMO lần thứ 25 tại Tiệp Khắc với số điểm 19/42 điểm, giành HCĐ.

PGS TS Phan Thị Hà Dương, nguyên học sinh trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, tham gia IMO lần thứ 31 năm 1990 tại Trung Quốc với số điểm 19/42 giành Huy chương Đồng. Đang học năm thứ 3 Khoa Toán - Cơ - Tin, ĐH Tổng hợp (cũ) Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, chị giành học bổng của Chính phủ Pháp và học tiếp ở ĐH Paris 7, rồi bảo vệ tiến sĩ loại xuất sắc và trúng tuyển vị trí PGS tại Đại học Paris 7. Năm 2005, TS Phan Thị Hà Dương trở về Việt Nam đầu quân cho Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Quốc gia Việt Nam.

Người thứ 5 giành HCĐ ở IMO lần thứ 33 tại Liên bang Nga với thành tích 16/42 điểm là Nguyễn Thùy Linh, học sinh chuyên KHTN (ĐHQGHN).

Tiếp đó, Phạm Chung Thủy, trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, tham gia IMO lần thứ 34 tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoạt huy chương Đồng với số điểm 17/42.

Đào Thị Thu Hà, chuyên Khoa học tự nhiên, tham gia IMO lần thứ 39 năm 1998 tại Đài Loan, đoạt huy chương Đồng với thành tích 23/42 điểm.

TS Nguyễn Phi Lê, khi còn là học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, tham gia IMO lần thứ 41 tại Hàn Quốc năm 2000, đoạt huy chương bạc với thành tích 21/42. TS Nguyễn Phi Lê sau thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản đã trở về nước và làm việc tại Viện nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Đỗ Thị Thu Thảo, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương (cũ) tham gia IMO lần thứ 49 tại Tây Ban Nha năm 2008, đoạt huy chương Bạc với 29/42 điểm.

Vương Nguyễn Thùy Dương, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, tham gia IMO lần thứ 55 tại Nam Phi năm 2014 với thành tích đoạt huy chương Bạc, 22/42 điểm.

Năm 2015, Nguyễn Thị Việt Hà, học sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh, tham gia IMO lần thứ 56 tại Thái Lan, đoạt huy chương Đồng với số điểm 15/42 điểm.

Năm 2020, tham gia IMO tại Nga, thí sinh Chu Thị Thanh học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đoạt HCĐ.

Năm nay 2025, em Trương Thanh Xuân, học sinh trường THPT chuyên Bắc Ninh là thí thí nữ thứ 14 của Việt Nam tham gia IMO lần thứ 66 tại Úc đã giành HCĐ.

Như vậy, trong lịch sử tham gia IMO của mình, Việt Nam có 14 nữ thí sinh tham gia đoạt huy chương. Nhưng chưa có nữ thí sinh đoạt huy chương vàng, chủ yếu đạt Huy chương Bạc và Đồng. Nữ thí sinh có thành tích tốt nhất trong các lần Việt Nam tham gia IMO 2008 là Đỗ Thị Thu Thảo, 29/42 điểm.