Đây là sản phẩm ra đời từ dự án học tập của nhóm học sinh Nguyễn Bá Thái Anh, Lê Đức Hải lớp 10D1 Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội trong Chương trình ngoại khóa có tên “Kiệt tác Truyện Kiều, Bản hòa âm phối sắc” năm 2020.

Cảm và thấm về thân phận nàng Kiều theo một cách hiện đại, nhưng thế hệ 2k cũng không kém phần sâu sắc:

“Kiều!

Tình duyên dở dang phải trao lại!

Đành buông xuôi theo kiếp hoa dại!

Thương thân nàng gió dập bèo trôi…”

Đã nhiều năm nay, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, ngôi trường thực hành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội áp dụng những phương pháp dạy học đổi mới sáng tạo với mục đích phát triển năng lực phẩm chất cho từng học sinh.

Ngoài đổi mới sáng tạo trong từng giờ dạy, trường còn tạo môi trường cho học sinh thỏa sức đam mê như tổ chức rất nhiều câu lạc bộ: Câu lạc bộ khoa học, Câu lạc bộ tổ chức sự kiện, Câu lạc bộ thể thao, Câu lạc bộ phóng viên…

Những chương trình ngoại khóa thường được tổ chức và “Kiệt tác Truyện Kiều, Bản hòa âm phối sắc” là một trong số đó.

Tạ Thu Giang, học sinh lớp 11D1 vừa tham gia chương trình này vào cuối năm lớp 10 cho biết đây là dự án học tập mà em và các bạn vô cùng tâm đắc. Dựa trên Truyện Kiều, học sinh sáng tác nhạc, họa tùy theo khả năng nghệ thuật của mình.

Kết thúc dự án những sản phẩm bài viết, tranh, đĩa nhạc được trưng bày trong gian hàng riêng của từng lớp để thể hiện hiểu biết và cảm nhận của mình về tác phẩm… Giang cho biết “Thực sự đó là kỷ niệm không thể nào quên khi em tham gia các hoạt động này”.

Trường học hạnh phúc là ngôi trường mà ở đó học sinh được thể hiện, được phát hiện và phát triển mọi phẩm chất năng lực. Với cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường, hạnh phúc là khi cô nhìn thấy học sinh của mình “giỏi hơn thày” và say mê với việc học tập ở trường. “Cá nhân tôi thấy học sinh của chúng tôi năng động vô cùng, chính các em tổ chức nhiều hoạt động và sáng tạo, các em rất giỏi, các em còn đắm say nữa…- cô Thu Anh chia sẻ.